Giá trị gia tăng cho dược liệu biển

|

Theo các nhà khoa học, tài nguyên sinh vật biển ở Việt Nam là nguồn cung cấp các nguyên liệu tiềm năng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Vấn đề là làm thế nào để tạo ra giá trị gia tăng cho đối tượng tiềm năng. Do vậy, cần có các nghiên cứu quy mô, hệ thống nhằm khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.

Việt Nam là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển. Biển Việt Nam với 20 kiểu hệ sinh thái điển hình (rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn,...) đã tạo nên sự đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, có vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế biển.

Ðể khai thác, phát triển tài nguyên biển phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước, thời gian qua, Ðảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản như: Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW; Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một số văn bản làm cơ sở pháp lý để khai thác tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên dược liệu biển phục vụ phát triển công nghiệp dược cũng được ban hành.

Khoa học-công nghệ đã bước đầu được ứng dụng trong nghiên cứu nguồn tài nguyên dược liệu biển nhằm điều tra, đánh giá trữ lượng, nghiên cứu đa dạng thành phần loài, trong đó, nguồn tài nguyên rong, tảo biển được các nhà khoa học đánh giá là nhóm có nhiều tiềm năng khai thác và phát triển, với tổng số loài rong biển được ghi nhận tại Việt Nam là 838 loài và dưới loài. Trong số các loài rong biển đã phát hiện được ở vùng biển Việt Nam, có khoảng 150 loài được xem là có giá trị kinh tế và giá trị dược liệu.

Ðể chủ động trồng vùng nguyên liệu, một số viện nghiên cứu và công ty đã nghiên cứu nhân giống một số loài rong thương phẩm, tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc.

Thí dụ, Viện Nghiên cứu ứng dụng Nha Trang (Khánh Hòa) đã nghiên cứu quy trình sản xuất thương phẩm rong mơ trên biển, năng suất khoảng 15 tấn khô/ha mặt biển; mô hình trồng rong sụn với khoảng 5.000m2 ở thôn Sơn Hải (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận); mô hình trồng rong nho tại Khánh Hòa đạt 100 ha, năng suất 10-20 tấn/năm; mô hình nuôi tảo xoắn của Công ty cổ phần Quốc tế Dược phẩm Việt Nam với quy mô lớn, cho năng suất thu hoạch lên đến 6 tấn tảo tươi/tháng.

Kết quả bước đầu của các mô hình khai thác và nuôi trồng đã đem lại nhiều nguồn lợi kinh tế cho người dân, tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Một số nghiên cứu về các hợp chất sinh học mới, phục vụ cho việc phát triển sản phẩm từ sinh vật biển đã được một số cơ sở nghiên cứu thực hiện. Viện Hải dương học đã nghiên cứu về thành phần hóa học các loài rong biển, tập trung vào các nguyên tố vi lượng và protein cũng như thành phần đặc trưng của rong biển như alginic, mannitol. Các nghiên cứu cũng tìm hiểu giá trị dinh dưỡng cùng một số thành phần hóa học của một số loài sử dụng phổ biến và làm thuốc như cá măng, cá đối, điệp, sò, ốc, cá ngựa, hải sâm...

Nhóm nghiên cứu của Viện Dược liệu đã tổng hợp thông tin từ các kết quả công bố và xây dựng được danh lục các loài rong biển có giá trị làm dược liệu và nguyên liệu để điều chế, chiết xuất các chất có hoạt tính sinh học với 177 loài, thuộc 3 ngành, 14 bộ, 25 họ rong biển.

Kết quả nghiên cứu trong cuốn “Rong biển dược liệu Việt Nam” của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã có những đánh giá về hóa học và hoạt tính sinh học, tiềm năng khai thác sử dụng nguồn rong biển.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, mặc dù rong tảo biển là nguồn tài nguyên rất quan trọng nhưng các công trình nghiên cứu về sử dụng nguồn lợi này còn chưa nhiều, cho nên rất khó khăn cho việc khai thác, bảo vệ và phát triển giá trị nguồn lợi. Những hoạt chất trong rong biển Việt Nam cũng có hoạt tính đa dạng và phong phú như ở nguồn rong biển trên thế giới, nhưng các nghiên cứu mới dừng ở mức đánh giá một số hoạt tính sinh học như hoạt tính chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng tế bào ung thư, giảm lipid máu...

Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp nhà nước, một số đơn vị của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã về điều tra đánh giá một số hoạt chất từ sinh vật biển khác như hải miên, hải sâm và nghiên cứu sâu về thành phần hóa học một số loài có triển vọng theo các định hướng chống ung thư và kháng sinh.

Với mục tiêu phát triển nguồn nguyên liệu dược liệu quý và bảo tồn nguồn gen các loài sinh vật biển, các nhà khoa học đã xác định 13 bãi dược liệu biển ở vùng Ðông Bắc trong đó có Cô Tô-Thanh Lân; Bái Tử Long; Hạ Long-Cát Bà là những khu vực trọng điểm.

Vi nấm biển là hướng nghiên cứu mới mẻ và giàu tiềm năng. Trong giai đoạn 2015-2020, một số viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu các hợp chất có hoạt tính sinh học trên các chủng vi nấm biển, kết quả đã có 70 hợp chất được phân lập, trong đó có 14 hợp chất mới. Các hợp chất thể hiện hoạt tính gây độc tế bào, chống viêm, kháng khuẩn...

Ðến nay, đã có một số sản phẩm thương mại có nguồn gốc từ sinh vật biển phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, như: Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang có các sản phẩm FucoAK, Fucoidan dạng bột, FucoUM. Fucoidan còn được sử dụng là thành phần trong các sản phẩm chống ung thư như Nano extra XFGC, Sản phẩm Genk STF.

Công ty cổ phần Ðầu tư Dược SEAVITA sở hữu công nghệ chiết xuất fucoidan có độ tinh khiết cao. Chế phẩm Canciginat làm thuốc cầm máu, viên nang tăng lực hasamin từ hải sâm thủy phân, một số sản phẩm điều chế từ nguyên liệu vỏ tôm như thuốc chữa bỏng Chitosan, chế phẩm hạ huyết áp từ vỏ tôm.

Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên đã tạo chế phẩm hỗ trợ điều trị ung thư Salamin từ tảo; chế phẩm bổ dưỡng Omega-3 từ sinh vật biển và chế phẩm hạ cholesterol máu TMC từ sinh vật biển. Công ty Dược phẩm Bình Ðịnh đã bào chế được Viên nang hàu,... Việc nghiên cứu chế biến sâu và phát triển sản phẩm từ các loài sinh vật biển đã tạo ra giá trị gia tăng nhằm đem lại nguồn lợi kinh tế cao.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, việc triển khai ứng dụng khoa học-công nghệ trong khai thác và phát triển tài nguyên dược liệu biển còn hạn chế. Hiện chưa có các dữ liệu đầy đủ nhằm quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu biển; chưa có nhiều những nghiên cứu chuyên sâu về giống, kỹ thuật nuôi trồng và khai thác, chế biến dược liệu biển.

Các chương trình nghiên cứu phát triển dược liệu biển nhằm tìm kiếm các hoạt chất sinh học mạnh để sản xuất thuốc phục vụ ngành công nghiệp dược quy mô quốc gia còn khiêm tốn. Một số vùng khai thác và nuôi trồng dược liệu biển chủ yếu canh tác theo kỹ thuật truyền thống, chưa sử dụng công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu chuyên sâu (chiết xuất, bào chế, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng, đánh giá độ an toàn và hiệu quả tác dụng…) trong nghiên cứu phát triển sản phẩm thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nguồn dược liệu biển chưa có kế hoạch bảo tồn, khai thác hợp lý và có kế hoạch, nguồn lợi bị khai thác tự phát, không mang tính hệ thống, đồng thời chưa xây dựng được nhiều vùng nuôi trồng dược liệu tập trung để phát huy lợi thế của từng vùng, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ðội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học chuyên sâu về sinh vật biển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lĩnh vực đặc thù này, đồng thời nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học-công nghệ về dược liệu biển còn rất hạn chế, chưa đầu tư vào các nhiệm vụ mang tính tổng thể, theo chuỗi giá trị và thương mại hóa sản phẩm từ nguồn dược liệu biển.

Có thể thấy rằng, các nghiên cứu trong nước theo xu thế nghiên cứu, phát triển thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ nguồn tài nguyên sinh vật biển trên thế giới. Hiện nay, trên thế giới, các loại thuốc có nguồn gốc từ sinh vật biển đã được phê duyệt khá đa dạng và hiện có 13 loại thuốc đang ở các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng khác nhau. Ðây cũng là định hướng và kinh nghiệm để Việt Nam học hỏi xây dựng chiến lược phát triển nguồn tài nguyên sinh vật biển ở Việt Nam.