Think Apps 2024: Kiến tạo tương lai AI Việt Nam

|

Lượng tải ứng dụng tăng vượt bậc, đạt 40% mỗi năm liên tục trong 5 năm qua đã đưa Việt Nam trở thành “Thị trường phát triển ứng dụng nhanh nhất thế giới”. Đó là một trong nhiều thông tin đáng mừng được cập nhật tại sự kiện “Think Apps 2024” với chủ đề “Kiến tạo tương lai, cùng Google AI" diễn ra vào chiều qua (11/7) tại Hà Nội, quy tụ hơn 350 nhà phát triển ứng dụng và sáng tạo game trong nước và khu vực.

Cũng nhân dịp này, Google đã phối hợp Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi động Chương trình “Kiến tạo tương lai AI Việt Nam”.

Dựa trên thành công của sự kiện thường niên Think Games và Think Apps từ 2021, chương trình năm nay đặc biệt nhấn mạnh vào việc hỗ trợ các nhà phát triển trò chơi và ứng dụng Việt Nam tận dụng AI để thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, tăng trưởng kinh doanh và bứt phá.

Tham dự sự kiện, bà Emily Nguyễn - Giám đốc kinh doanh Gaming & Apps cho thị trường Việt Nam, Google châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ: “Ngành công nghiệp Trò chơi và Ứng dụng tại Việt Nam duy trì đà tăng trưởng vượt bậc, khẳng định vị thế là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Ngành công nghiệp này ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu giá trị cao của quốc gia. Google đang giữ vai trò tiên phong thúc đẩy sự phát triển và đổi mới của ngành công nghiệp trò chơi và ứng dụng tại Việt Nam. Thông qua công nghệ AI mới nhất và các chương trình hỗ trợ toàn diện ngay từ những ngày đầu, chúng tôi mong muốn trao quyền cho các nhà phát triển địa phương xây dựng nhiều ứng dụng chất lượng cao, tiếp cận đối tượng toàn cầu và đạt được mức tăng trưởng kinh doanh bền vững”.

Theo báo cáo của data.ai 2023, ngành công nghiệp phát triển ứng dụng và trò chơi tại Việt Nam vẫn duy trì vị thế ấn tượng, đứng thứ tư toàn cầu liên tục trong 2 năm qua. Xếp hạng này của Việt Nam được khẳng định nhờ tỷ lệ tăng trưởng vượt bậc - tăng 34% tổng lượt tải ứng dụng - vượt mốc 5,6 tỷ lượt tải. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng giữ vững danh hiệu "Thị trường phát triển ứng dụng nhanh nhất thế giới" với số lượt tải tăng ấn tượng - tăng 40% mỗi năm trong suốt 5 năm qua. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong năm 2023, với mức tăng vọt vượt 1,1 tỷ lượt tải, tương đương với 10.708 ứng dụng "Made-in-Vietnam" được tải xuống mỗi phút. Có bốn nhà phát triển đã phá vỡ mức tăng trưởng 100 triệu lượt tải xuống trong năm 2023, bao gồm ABI, Bravestars, Higame và iKame.

Các nhà phát triển ứng dụng Việt Nam đang thể hiện sự chuyển đổi chiến lược hướng tới chất lượng và doanh thu. Từ năm 2023, doanh thu từ tính năng mua hàng trực tiếp trong ứng dụng (IAP) tăng đáng kể lên mức 21%, đạt 200 triệu USD. Xu hướng này nhấn mạnh sự chú trọng vào việc thiết kế trải nghiệm giá trị cao, nhằm tạo ra nguồn doanh thu bền vững. Hơn nữa, ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu mạnh mẽ 3,5 tỷ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng ổn định hàng năm là 15%.

Các cử tọa, chuyên gia thảo luận tại sự kiện Think Apps 2024.

Trong khuôn khổ sự kiện, ở những cuộc tọa đàm nhỏ, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đang hoạt động trong lĩnh vực liên quan trí tuệ nhân tạo AI đã đưa ra nhiều phân tích đáng chú ý. Theo đó, mặc dù có mức tăng trưởng ấn tượng nhưng Việt Nam hiện đang ở vị trí thứ 28 trên toàn cầu về doanh thu mua hàng trực tiếp trong ứng dụng. Điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều cơ hội để tăng trưởng hơn. Ngành công nghiệp phát triển trò chơi và ứng dụng của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Những thách thức này bao gồm: (1) Sự thiếu hụt chuyên gia AI và các chương trình đào tạo chất lượng cao, cản trở sự phát triển của nguồn nhân tài AI; (2) Những hạn chế trong việc tiếp cận cố vấn và hướng dẫn từ các tên tuổi AI đầu ngành tạo ra trở ngại trong việc thẩm định và xây dựng các sản phẩm được hỗ trợ bởi AI có tính cạnh tranh cao trên thị trường; (3) Thiếu cơ sở hạ tầng sẵn có cho việc thử nghiệm nhanh chóng, kiểm tra và phát triển sản phẩm liên quan đến lĩnh vực AI.

Với bộ giải pháp toàn diện, từ công cụ AI đến các chương trình đào tạo thực hành, Google AI sẽ hỗ trợ cho các nhà phát triển Việt Nam và thúc đẩy sự đổi mới. Cách tiếp cận toàn diện này được cấu trúc xoay quanh ba trụ cột chính: Kiến tạo cho Chất lượng; Kiến tạo để tăng Doanh thu; và Kiến tạo cho sự Bền vững. Chương trình năm nay tập trung vào những lợi thế mà AI có thể mang lại trong việc cách mạng hóa quá trình phát triển, quảng bá ứng dụng cũng như cung cấp nhiều thí dụ cụ thể, thực tế về thành công của các nhà phát triển Việt Nam trong ngành ứng dụng toàn cầu.

Trước đó, ngay sáng 11/7, Google cũng đã phối hợp Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi động Chương trình “Kiến tạo tương lai AI Việt Nam”, một sáng kiến toàn diện nhằm thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực AI của Việt Nam.

Sáng kiến này tập trung vào hai trụ cột chính: Kiến tạo cho Nhân tài và Kiến tạo cho Doanh nghiệp. Mỗi trụ cột giải quyết các lĩnh vực then chốt để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ và củng cố nền tảng để tối đa hóa việc áp dụng AI.

Trong đó trụ cột “Kiến tạo cho Nhân tài” là Chương trình Phát triển nhân tài số cung cấp 40.000 suất học bổng với 10 khoá học, bao gồm khóa học mới ra mắt bổ sung - Trí tuệ nhân tạo AI của Google (Google AI Essentials) nhằm trang bị các kỹ năng AI mới nhất cho thế hệ trẻ Việt Nam; trong đó có nhiều cán bộ, giảng viên và sinh viên của hơn 80 trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Đây là Chương trình được nâng cấp từ chương trình Phát triển Nhân tài số đã được Google và NIC ra mắt hồi tháng 7/2022. Tính đến nay, Chương trình đã trang bị một bộ kỹ năng số quan trọng cho 60.000 người trong độ tuổi lao động tại Việt Nam.

“Kiến tạo tương lai AI Việt Nam” đánh dấu một chương mới quan trọng trong cam kết lâu dài của Google trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của nước ta. Sáng kiến này hướng đến Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, nhấn mạnh cam kết của Google trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi số.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chương trình "Kiến tạo tương lai AI Việt Nam cùng Google - NIC" là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Google. Chương trình này thể hiện cam kết và sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Google trong việc thúc đẩy hệ sinh thái AI tại Việt Nam nhằm trang bị cho nguồn nhân lực những kỹ năng cần thiết để nắm bắt cơ hội của kỷ nguyên AI, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ AI.

Tham dự sự kiện, ông Marc Woo - Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google châu Á-Thái Bình Dương cũng bày tỏ lạc quan: “Nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng gấp 11 lần vào năm 2030, đạt mức đáng kinh ngạc 220 tỷ USD, tương đương gần một nửa GDP hiện tại của Việt Nam. AI là một trong những yếu tố then chốt để hiện thực hóa dự báo trên. Cùng với NIC, chúng tôi tin rằng sáng kiến “Kiến tạo tương lai AI Việt Nam” sẽ là bệ phóng vững chắc cho các nhân tài, startup và doanh nghiệp trong nước, giúp họ tận dụng được tối đa các sản phẩm và giải pháp AI tốt nhất của Google”.