Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam

|

NDO - Ngày 2/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam - Những vấn đề đặt ra”.

Hội thảo thu hút sự tham dự của đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố, cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu về du lịch, môi trường, quy hoạch.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết: Giai đoạn vừa qua, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng khá nhanh, nếu như thập kỷ 90, số lượng đô thị đạt 500, thì đến năm 2022, số lượng đô thị trong cả nước đã là khoảng 900, trong đó, có năm đô thị trực thuộc Trung ương với hai đô thị đặc biệt.

Tin liên quan
Du lịch cần bắt kịp thời cơ, tăng tốc phát triển

“Sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị là điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển du lịch. Hoạt động du lịch tại các đô thị Việt Nam giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, chiếm tỷ trọng chủ yếu về khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch của cả nước”, ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, sự phát triển du lịch tại các đô thị vừa qua đã bộc lộ một số vấn đề đáng lưu ý, như: gia tăng sức ép đến môi trường; giao thông tại các khu, điểm du lịch bị tắc nghẽn, đặc biệt vào mùa cao điểm; quy hoạch cảnh quan đô thị cũng có thể bị phá vỡ bởi các dự án xây dựng hạ tầng du lịch; bên cạnh đó, giá trị của bất động sản gần các khu du lịch cũng bị đẩy cao... Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại các đô thị mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch trên cả nước.

Toàn cảnh Hội thảo.

Cùng với những tác động kể trên, trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch còn cho rằng, phát triển du lịch ở đô thị cũng kèm theo sự gia tăng giá cả sinh hoạt, gia tăng các vấn đề xã hội và có tác động tiêu cực đến các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở các đô thị. Đây là thực trạng xảy ra không chỉ ở các đô thị của Việt Nam mà còn ở hầu hết các đô thị của các nước châu Âu.

Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh khẳng định: Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, trước tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh… đã đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển du lịch bền vững nói chung và phát triển du lịch tại các đô thị nói riêng ở Việt Nam, đòi hỏi phải có những giải pháp mới, sáng tạo hơn, linh hoạt và phù hợp hơn, đặc biệt là các giải pháp với sự trợ giúp của công nghệ trong quản trị đô thị nói chung và trong các hoạt động phục vụ cho kiểm soát và phát triển đô thị, phát triển các mô hình du lịch thông minh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội mà không gây tổn hại cho đô thị và môi trường.

Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam - Những vấn đề đặt ra” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn cho các bên liên quan gồm các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về du lịch, quản lý đô thị, môi trường; các cơ sở đào tạo, chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan, doanh nghiệp… trao đổi, thảo luận các vấn đề về phát triển du lịch bền vững tại các đô thị ở Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương trình bày tham luận Một số vấn đề lý luận về phát triển du lịch bền vững tại các đô thị.

Với hơn 20 bài tham luận, ý kiến được trình bày và gửi đến Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá hiện trạng, nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam hiện nay. Các tham luận, ý kiến đều nhấn mạnh việc phát triển du lịch bền vững tại các đô thị đòi hỏi sự quan tâm đến môi trường, văn hóa, xã hội, cùng với chính sách quản lý và quy hoạch hợp lý.

Trên cơ sở đó, Hội thảo đưa ra những vấn đề chủ yếu cần giải quyết và gợi mở những giải pháp để bảo đảm phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam, như: chú trọng công tác quy hoạch và quản lý đô thị, quản lý lưu lượng khách du lịch, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ các di sản văn hoá trong phát triển du lịch, sử dụng công nghệ số để kiểm soát dòng khách du lịch, thực hiện chính sách “khuếch tán” để giảm áp lực tại đô thị, mở rộng các vùng du lịch vệ tinh cho đô thị.