Ra mắt thư viện số về lịch sử Việt Nam

|

NDO - Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và Thư viện Quốc gia Việt Nam vừa khai trương cổng thông tin Pháp - Việt mang tên Thư viện Hoa phượng vĩ, gồm những thông tin giá trị về lịch sử Việt Nam. 

Thư viện số Hoa phượng vĩ do Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp thực hiện. Thư viện có địa chỉ truy cập https://heritage.bnf.fr/france-vietnam, với hai ngôn ngữ tiếng Pháp và tiếng Việt.

Bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam cho biết, đây là kết quả hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Pháp và Việt Nam trong suốt hai năm 2019 - 2020 nhằm tái hiện những mối tương tác về văn hoá, lịch sử giữa hai nước từ thế kỷ XVII (năm 1922) đến giữa thế kỷ XX (năm 1954). Khoảng 2.164 tài liệu được tập hợp, số hóa từ các kho lưu chiểu của hai thư viện quốc gia Việt Nam và Pháp cũng như Trung tâm hợp tác quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển Pháp (CIRAD) để đăng tải trên cổng thông tin.

Nội dung của cổng thông tin được chia thành tám nhóm chủ đề: lưu chuyển, truyền thống, tư tưởng, văn học, chuyển giao văn hóa, các triều đại và chính quyền, khoa học và xã hội, đời sống kinh tế. Mỗi thư mục chủ đề lớn này lại chia thành các tiểu mục.

Trong tổng số hơn 2.000 tài liệu được đăng tải trên cổng thông tin, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã đóng góp khoảng 1.157 tài liệu số. Nhiều tư liệu trong số này chủ yếu tập trung vào các tư liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Hình thức các tài liệu khá đa dạng, ngoài tài liệu in, còn có các tài liệu bằng hình ảnh, âm thanh...

 

Bên cạnh các tài liệu, khoảng 20 bài giới thiệu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và quản lý thư viện của Pháp cũng như Việt Nam sẽ giúp hiểu rõ hơn về bối cảnh của những tài liệu có trong Thư viện số...

Đại sứ quán Pháp cho biết, Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện Quốc gia Pháp là hai nơi đang lưu trữ bộ sưu tập lớn nhất thế giới về tư liệu Đông Dương cũng như Việt Nam từ thế kỷ XVII cũng như giữa thế kỷ XX. Vì vậy cổng thông tin Pháp - Việt ra đời sẽ giúp cho nguồn tư liệu giai đoạn này có thể giúp bạn đọc tiếp cận tư liệu một cách thuận lợi, dễ dàng hơn, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu nguồn tư liệu di sản của thế giới.