Múa đương đại lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng

|

NDO - Với hành trình hơn 17 năm theo đuổi sự nghiệp nhảy múa, biên đạo - nghệ sĩ múa Nguyễn Duy Thành được ví như “nam thần” của nghệ thuật múa đương đại. Chiều 14-4, tại Hà Nội, anh cùng những cộng sự thân thiết đã có buổi gặp gỡ báo chí để chia sẻ về “Thán” - một show diễn đặc biệt do anh dàn dựng, biểu diễn với những pha trộn thú vị giữa truyền thống và hiện đại.

“Thán” mở ra không gian cao và sâu như một vũ trụ. Ở đó, bằng ngôn ngữ cơ thể, Nguyễn Duy Thành kể lại hành trình con người đi tìm kiếm niềm tin giữa nhiều thứ vô định. Và điểm bấu víu để hành trình ấy không bị lạc lối chính là những yếu tố, giá trị văn hóa cổ truyền. Đó cũng chính là lí do show múa đương đại “Thán” được lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng truyền thống của cha ông.

Đến với “Thán”, khán giả sẽ được cảm nhận một không gian nghệ thuật đương đại nhưng “đặc quánh” chất tuồng, từ sắc đỏ chủ đạo trong thiết kế sân khấu cho tới âm nhạc, phục trang, vũ đạo của diễn viên. Lắng nghe phần âm nhạc đương đại do nhạc sĩ Lương Huệ Trinh thể hiện, sẽ dễ dàng nhận ra những thanh âm quen thuộc của tuồng, nhất là khi được kết hợp cùng bộ gõ tuồng được chơi live hoàn toàn, đặc biệt là phần chơi trống do NSƯT Nguyễn Văn Quý (Nhà hát Tuồng Việt Nam) đảm nhận.

Nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành (ở giữa) chia sẻ về “Thán” tại buổi gặp gỡ báo chí (Ảnh: HỒNG HÀ) 

Nguyễn Duy Thành cho hay, “Thán” là chương trình được phát triển từ tác phẩm múa cùng tên do anh thể hiện tại Liên hoan Múa đương đại Hà Nội năm 2019. So với phiên bản trước chỉ kéo dài 20 phút, show “Thán” sẽ có độ dài khoảng 50 phút với ba chương diễn liền mạch. Đây là đứa con tinh thần mà anh đã ấp ủ sáng tạo suốt hơn hai năm.

Tham gia trình diễn cùng nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành ở vai trò phát triển động tác là bộ ba gương mặt trẻ cá tính của múa đương đại Việt bao gồm: Trần Ngọc Minh, Đào Nhật Vy, Vũ Ngọc Bảo. Các nghệ sĩ đã có những buổi gặp trực tiếp với những nghệ nhân tuồng để tìm hiểu, học hỏi, từ đó mang tinh thần tuồng vào trong “Thán”, chuyển tải cảm xúc và những gì muốn thể hiện thông qua những chuyển động của cơ thể. Cũng bởi vậy mà “Thán” không đơn thuần chỉ là một sự kiện của múa mà còn đem đến cái nhìn mới về sự gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại, mở ra góc nhìn đa chiều hơn về nghệ thuật chuyển động.

Với mục đích thu hút sự tập trung cao nhất của người xem vào những chuyển động cơ thể của nghệ sĩ múa, sân khấu của “Thán” được thiết kế ở mức tối giản nhất để kích thích trí tưởng tượng, liên tưởng của khán giả. Ở vai trò đạo diễn sân khấu, nghệ sĩ Đặng Xuân Trường cho biết: sân khấu “Thán” sẽ chỉ có duy nhất một chiếc hộp hình chữ nhật nặng chừng 70 kg. Khung hộp bằng gỗ, sắt, bên ngoài phủ giấy để tạo hiệu ứng bắt sáng. Nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành sẽ phải tự nâng, dựng, tương tác với chiếc hộp này sao cho thể hiện rõ nhất những thông điệp mà ngôn ngữ chuyển động của cơ thể muốn chuyển tải. Đây là thách thức đòi hỏi người nghệ sĩ phải lao động nghệ thuật, sáng tạo hết mình.

“Thán” được giới thiệu đến công chúng trong đêm diễn duy nhất vào tối thứ bảy, 15-5-2021 tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội.