Di tích Quốc gia Hải Vân Quan dần hoàn thiện sau 2 năm trùng tu

|

NDO - Di tích Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng ngày nay (xưa là ranh giới giữa phủ Thừa Thiên và Quảng Nam). Năm 2021, dự án tôn tạo, trùng tu di tích này được triển khai, và đến nay sau 2 năm trùng tu, Di tích Quốc gia Hải Vân Quan đang dần hoàn thiện, kỳ vọng sẽ là điểm dừng chân thu hút đông đảo người dân, du khách trong hành trình khám phá vẻ đẹp đất nước, con người, cảnh sắc Việt Nam.

Di tích Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia tại Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2017; thuộc 2 địa phận là thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).

Đây là di tích có nhiều giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Phía bắc của cổng Hải Vân Quan hướng về Thừa Thiên-Huế đề 3 chữ “Hải Vân Quan”, phía nam hướng về thành phố Đà Nẵng đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đây không chỉ là vị trí phòng thủ quan trọng của cửa ngõ phía nam Kinh thành Huế mà còn là một danh lam thắng cảnh rất nổi tiếng của Việt Nam.

Hải Vân Quan chụp năm 2018 và Hình ảnh hiện tại sau hai năm trùng tu. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Là di sản chung, vì vậy, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Ủy ban nhân tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ di tích. Các địa phương đã cùng thống nhất giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức triển khai thực hiện dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, theo đó phía tỉnh Thừa Thiên Huế giải quyết và phê duyệt các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành.

Di tích Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia năm 2017. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan được khởi công ngày 19/12/2021 tại di tích Hải Vân Quan. Với mục đích Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.

Công bố các kết quả khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan tháng 8/2018. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Tổng diện tích của dự án khoảng 6.500m2, là Dự án nhóm C, loại công trình dân dụng, cấp III, với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố Đà Nẵng 50%, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50% trên tổng mức đầu tư.

Sau 2 năm triển khai trùng tu, đến nay, Dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan gần hoàn thiện. Những hạng mục cuối cùng của dự án đang được gấp rút triển khai, đồng thời tạo thêm nhiều cảnh quan, trồng cây xanh, để có thể khánh thành và đưa đón khách tham quan vào cuối năm 2023 này.

Diện mạo mới của Di tích Quốc gia Hải Vân Quan, ảnh chụp ngày 27/10. Ảnh ANH ĐÀO

Hình hài một “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” đã hiện rõ với việc tháo dỡ toàn bộ các lô cốt phía trên Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đến nền gốc tích thời Nguyễn. Tu bổ cửa Hải Vân Quan, cửa Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan theo các dấu tích nguyên gốc.

Hệ thống tường thành được phục hồi, ảnh chụp ngày 27/10/2023. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Phục hồi, thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá Thanh, tường xây gạch vồ. Phục hồi các tường thành nhà Nguyễn bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học và dấu vết trên tường Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan.

Phục hồi các tường thành nhà Nguyễn bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học và dấu vết trên tường Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Gia cố toàn bộ hệ thống chân tường thành bằng vữa neo, các vị trí xung yếu gia cố bằng bê-tông. Phục hồi thân tường theo các đoạn nguyên gốc được khảo cổ. Phía trong tính từ mặt tường và các khu vực chân móng được gia cố khối xây vữa truyền thống tăng cường khả năng cố kết và chịu lực của tường…

Phục hồi tuyến đường Thiên Lý từ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đi tỉnh Thừa Thiên Huế bằng đá xếp theo truyền thống. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn và chính sự nỗ lực rất lớn của cả hai địa phương, việc trùng tu, hoàn thiện Di tích Quốc gia Hải Vân Quan mang một ý nghĩa vô cùng lớn, đặc biệt đối với việc phát huy giá trị của di tích, di sản trong phát triển kinh tế- xã hội của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.

Dấu mốc mới của "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" sau trùng tu, tôn tạo. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Với “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” như danh xưng mà vua Lê Thánh Tông đã tấn phong cho nơi này hơn 500 năm trước (năm 1470), và bây giờ, sự phục dựng, trùng tu Di tích Quốc gia Hải Vân Quan đã đánh dấu một mốc lịch sử mới cho di tích này.

Khu vực lõi trùng tu chụp từ trên cao. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Trong đó, riêng với ngành du lịch, kỳ vọng Hải Vân Quan sẽ là điểm đến, dừng chân của người dân, du khách, góp phần quảng bá nhiều hơn hình ảnh của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Dự kiến công trình sẽ khánh thành, đón khách tham quan vào cuối năm 2023. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Và với du khách bốn phương trên hành trình dọc dài đất nước, khám phá vẻ đẹp cảnh sắc và con người Việt Nam - khi dừng chân tại Hải Vân Quan, sẽ cảm nhận thêm cảnh sắc nơi đây. Di tích hồi sinh và hơn thế, niềm tự hào về lịch sử dân tộc sẽ được nhân lên, khi các địa phương cùng bắt tay tôn tạo, gìn giữ và phát huy một cách có hiệu quả.