Lối thoát nào cho Gaza?

|

NDO - NDĐT - Trong lịch sử xung đột Israel - Palestin, nếu chỉ tính tới các cuộc chiến tranh lớn có sự tham gia của các lực lượng không quân, lục quân và cả hải quân, kỷ lục 21 ngày của cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ tư (còn có tên gọi là cuộc chiến tranh Yom Kippur 10-1973) đã bị cuộc chiến đang diễn ra tại dải Gaza phá vỡ.

Lệnh ngừng bắn ngắn ngủi trong 12 tiếng (sau đó được chính phủ Israel kéo dài thêm 24 giờ) đạt được ngày 26-7-2014 sau ba tuần giao tranh đẫm máu, đã bị phá vỡ bởi màn không kích của Israel cũng như những loạt nã roket của phong trào vũ trang Hamas vào đêm 28-7. Tuyên bố trên truyền hình đêm 28-7-2014 của Thủ tướng Benjamin Netanyahu: "Chúng ta cần chuẩn bị cho một chiến dịch kéo dài. Chúng ta sẽ tiếp tục hành động bằng vũ lực và sự toàn quyền hành động cho đến khi mục tiêu được hoàn thành", cho thấy chiến sự tại Gaza sẽ còn tiếp diễn trong nhiều ngày nữa.

Thông lệ ngắn ngày của các cuộc chiến tranh Trung Đông bị phá vỡ đang khiến cộng đồng quốc tế thực sự quan ngại và mong muốn mau chóng có một lệnh ngừng bắn lâu dài tại Gaza, bởi lẽ có quá nhiều lý do để phải lo lắng về tình trạng chiến sự kéo dài tại Gaza.

Trước hết, đó là những tổn thất của cả hai phía ngày một tăng dần theo thời gian chiến sự. Kể từ khi chiến sự bùng phát hôm 5-7-2014, đến nay hơn 1.000 người Palestin đã thiệt mạng, đặc biệt trong số đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Chỉ tính riêng trong đêm ngày 28-7, tức là ngay sau khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực, giao tranh đã khiến ít nhất 60 người Palestin và 10 lính Israel chết, bốn nhà máy, trong đó có nhà máy điện duy nhất tại Gaza, đã bị phá hủy hoàn toàn, tòa nhà của lãnh tụ Hamas Ismail Haniyeh bị san phẳng. Đấy là chưa kể tới khoảng 167.000 người Palestin đang phải bỏ nhà cửa ẩn náu trong các trường học và tòa nhà của LHQ. Cuộc chiến nào ở Trung Đông cũng gây nên những mất mát không thể tính hết, điều đáng lo ngại là quan điểm “tận diệt” đang ngự trị tại Gaza. Nguy hiểm hơn, chiến sự càng kéo dài, thù hận giữa hai phía càng thêm chồng chất.

Cùng với tình hình chiến sự vẫn diễn ra căng thẳng trước đó tại Iraq giữa lực lượng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni (ISIL) và chính quyền Thủ tướng al-Maliki, cuộc chiến tại Gaza rất có thể sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền domino tại khu vực Trung Đông. Ngày 30-7, sau hơn hai tuần giao tranh, tuyên bố “đã giành quyền kiểm soát toàn bộ thành phố miền Đông Benghazi (Libya)” của nhóm phiến quân Hồi giáo Ansar al-Sharia, lực lượng có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda, đang cho thấy điều quan ngại này là hoàn toàn có cơ sở. Chưa bao giờ như vào thời điểm hiện tại, cùng một lúc Trung Đông phải hứng chịu các cuộc giao tranh đều mang dấu ấn những mâu thuẫn của lịch sử - từ giữa Israel và Palestin (rộng ra là người Do Thái và người Ả Rập) đến giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite hay giữa các nhóm Hồi giáo cực đoan với các lực lượng Hồi giáo cấp tiến vì quyền lực.

Lời kêu gọi "người Hồi giáo hãy vũ trang cho người Palestin để chống lại nạn diệt chủng" của Lãnh tụ tối cao Iran- giáo chủ Aytollah Ali Khamenei cho thấy, cuộc chiến tại Gaza còn có thể dẫn đến những đảo lộn ghê gớm về tập hợp lực lượng tại đây. Xung đột phe phái, sắc tộc trong một quốc gia đang có dấu hiệu lây lan ra khắp Trung Đông. Sự can dự của Iran có thể sẽ dẫn tới cả những dính líu có tính “bắt buộc” của các nước lớn, trước hết là Mỹ, EU và Nga.

Cuộc chiến tại Gaza kéo dài càng khiến uy tín của HĐBA, của Liên đoàn Ả rập và ngay cả của Mỹ, siêu cường có ảnh hưởng sâu rộng nhất tại Trung Đông bị đe dọa nghiêm trọng. Việc cả Israel lẫn Hamas không những không tuân thủ mà còn quay ra chỉ trích Tuyên bố hôm 28-7-2014 của HĐBA “yêu cầu các bên phải ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện vì mục đích nhân đạo ở Gaza” là một minh chứng cho thấy sự bất lực của cơ quan quyền lực nhất thế giới hiện nay.

Trong suốt chiều dài lịch sử của xung đột Israel - Hamas, những vụ nã pháo, rocket đã không ít lần xảy ra. Tuy nhiên, bất chấp sức ép không hề nhỏ từ phía cộng đồng quốc tế, lần này cả hai phía Israel lẫn Hamas đều có vẻ đang muốn chơi một "canh bạc tất tay" theo kiểu "được ăn cả". Điều này có thể là do những toan tính của đôi bên về tình trạng hiện tại của Trung Đông.

Về phía Israel, do bị liệt vào danh sách những nhóm khủng bố đe dọa đến an ninh của Israel nên hầu như chính quyền nào ở Tel Aviv cũng luôn tìm cách loại bỏ phong trào vũ trang Hamas. Tuy nhiên, qua nhiều thập kỷ các nỗ lực của Israel đều không đem đến kết quả như mong đợi. Thỏa thuận hôm 23-4-2014 về việc thành lập chính phủ đoàn kết chuyển tiếp để tiến tới tổng tuyển cử giữa hai lực lượng đối lập chính của Palestin là Fatar và Hamas thực sự đã đẩy chính quyền Thủ tướng Netanyahu đến “ngưỡng của sự chịu đựng”. Thắng lợi của lực lượng Hồi giáo cực đoan ISIL tại Iraq và Syria lại càng thôi thúc Tel Aviv phải đi đến một quyết định cứng rắn hơn đối với Hamas trước khi các lực lượng này kết nối với nhau. Ngoài ra, việc Phong trào Anh em Hồi giáo (có mối liên hệ mật thiết với Hamas và Hezbollar) bị loại khỏi chính trường Ai cập cũng là liều thuốc kích hoạt chính sách cứng rắn của nội các Netanyahu.

Chính sách nước đôi của Washington tại Iraq cũng như chính tại Gaza càng tăng thêm quyết tâm của Israel. Phát biểu của ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp báo hôm 26-7-2014: “Như tôi đã nói, người Palestine cần được sống trong tự do, không bạo lực, hàng hóa được lưu thông, họ cần được thoát khỏi cảnh bị kiềm chế hiện nay. Cùng với đó, người Israel cũng cần được sống tự do và không bị đe dọa từ các vụ bắn rocket, từ các đường hầm. Những lợi ích này là thực tế đối với cả hai bên và chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề này thông qua các cuộc đối thoại” có lẽ lại được Tel Aviv hiểu là “phải tự quyết khi chưa muộn”.

Tất cả những lý do trên cho thấy, chiến dịch quân sự "Bảo vệ biên giới" của Israel không chỉ để trả đũa và ngăn chặn các vụ nã rocket mà còn nhằm triệt tiêu hoàn toàn khả năng quân sự của Hamas và xa hơn là loại cánh vũ trang đang kiểm soát dải Gaza này ra khỏi đời sống chính trị ở Trung Đông.

Còn về phía Hamas, với cùng cách nhìn về nhau như Israel nhưng theo chiều ngược lại, phong trào vũ trang Hồi giáo chưa bao giờ chấp nhận sự tồn tại nhà nước Do thái tại Trung Đông. Sau khi mất đi đồng minh quan trọng tại Ai Cập, lực lượng Hamas bị mất nguồn hỗ trợ khi chính quyền mới của Ai Cập cùng Israel siết chặt an ninh biên giới với dải Gaza, cắt đứt nguồn thu quan trọng của phong trào này. Việc kích hoạt xung đột với Israel vừa có thể giúp phong trào Hamas đặt điều kiện buộc Israel phải nới lỏng bao vây, phong tỏa dải Gaza, đồng thời giúp họ có thêm sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới.

Trên thực tế, ít nhiều Hamas đã khiến cho hình ảnh của Israel trở nên tồi tệ trong con mắt của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, thắng lợi của các lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Iraq và Syria phần nào cũng là liều thuốc hỗ trợ tinh thần cho Hamas. Khác với những lần giao tranh trước, khi mà Israel cũng bị chính đồng minh Mỹ chỉ trích và yêu cầu ngừng bắn, với lập trường “quyết không đầu hàng”, Hamas hy vọng sẽ buộc chính quyền Obama phải có những nhượng bộ, bởi Washington cũng luôn liệt Hamas vào danh sách khủng bố.

Như vậy, cũng giống như mọi lần, giờ đây cuộc chiến ở Gaza cũng đang trong tình trạng không lối thoát. Để tìm ra một giải pháp khả dĩ nào đó, có lẽ việc trước tiên phải có những hoạt động ngoại giao nhằm giải thích cho cả hai bên tham chiến, rằng thỏa thuận ngừng bắn 12 tiếng vừa bị phá vỡ hoàn toàn không phải vô giá trị, ngược lại, nó chính là tia sáng cuối đường hầm đối với Gaza. Liên đoàn Ả rập đã đến lúc phải thực thi sứ mạng của mình, nhưng cũng cần nhớ những bài học kinh nghiệm đầy đau đớn trước đó do tiếp cận vấn đề thiếu công bằng hoặc không khách quan. Gaza chỉ có thể tìm ra lối thoát khi các bên liên quan có thiện chí tìm kiếm.