Ngay sau bài diễn văn với tên gọi "chiến lược chống khủng bố" (hôm 10-9-2014), Tổng thống Barack Obama đã chứng tỏ với thế giới quyết tâm không cho "những kẻ khủng bố tìm được nơi trú ẩn an toàn" bằng một chiến dịch không kích nhằm vào các nhóm khủng bố IS, Khorasan và Al-Nusra trên lãnh thổ Syria. Quy mô của các đợt không kích này lớn tới mức, lượng bom đạn sử dụng chỉ trong hai ngày 22 và 23-9 đã bằng toàn bộ số lượng trong cả tháng trước đó trên lãnh thổ Iraq. Đặc biệt, dù khả năng phòng không của IS là hết sức yếu nhưng Lầu Năm Góc còn điều động cả siêu chiến đấu cơ F-22 Raptor tham chiến, loại máy bay hiện đại nhất này của quân đội Mỹ thậm chí còn không được sử dụng trong cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Ngoài ra, chiến dịch không kích của Mỹ và liên quân còn nhằm cả vào các nhà máy lọc dầu với hy vọng sẽ cắt đứt nguồn cung cấp tài chính chủ yếu của IS. Song song với chiến dịch không kích, sự tham chiến trên mặt đất của quân đội chính phủ Iraq, lực lượng vũ trang người Kurd, quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad v.v., rõ ràng đang buộc IS phải thay đổi theo hai lựa chọn: hoặc tìm cách liên kết với các nhóm khủng bố khác, như lời kêu gọi của chính thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri, người đã từng tuyên bố chối bỏ IS; hoặc phân tán thành các toán nhỏ và đi vào hoạt động bí mật, như Taliban đã và đang làm. Bất luận thế nào, IS sẽ khó có thể hành động công khai với các cuộc tấn công ồ ạt như đã làm trong mấy tháng qua. Nếu vậy, cuộc chiến chống khủng bố sẽ trở lại kịch bản giằng co, kéo dài hết sức phức tạp.
Chiến dịch không kích chống IS trên lãnh thổ Syria cũng đẩy chính quyền Obama vào tình thế hết sức lưỡng nan trong cả những mối quan hệ nội bộ lẫn bên ngoài nước Mỹ.
Mặc dù quyết định không kích của Tổng thống Obama đã nhận được sự đồng thuận cao ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện, nhưng vẫn có không ít người dân Mỹ phản đối. Sự lo ngại của cử tri Mỹ là hoàn toàn hợp lý, bởi dù Tổng thống Obama đã trấn an: “Chúng ta sẽ không bị cuốn vào cuộc chiến trên bộ nào nữa”, nhưng chính các đợt không kích đã là bằng chứng về sự can dự của người Mỹ vào chiến trường Iraq – Syria, và khó có thể nói là không có bất cứ một rủi ro nào. Giờ đây, người dân Mỹ có lý do để lo ngại về những hoạt động trả thù của các lực lượng IS, chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở những vụ hành quyết như đã từng làm với các nhà báo J. Foley và S. Sotloff. Với chi phí không hề nhỏ (theo đánh giá của giới chuyên gia Mỹ, chi phí cho các cuộc không kích có thể vào khoảng 15-20 tỷ USD mỗi năm), hiệu quả của chiến dịch không kích bỗng trở thành thước đo uy tín của đảng Dân chủ, gần nhất là trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11 tới đây.
Điều nan giải nhất đối với chính quyền Obama có lẽ là những tác động của chiến dịch không kích tới mối quan hệ với Syria, Iran và Nga – những nước hiện có “vấn đề” với Mỹ. Với quan điểm “đây không phải là cuộc chiến của riêng nước Mỹ”, chính quyền Obama rất cần một “liên minh rộng rãi” chống IS. Trên thực tế, vào thời điểm hiện tại, Mỹ đã thu hút được sự hỗ trợ của hơn 50 quốc gia, kể cả những nước trước đó còn cự tuyệt tham gia như nước Anh (kể từ hôm 27-9-2014, các chiến đấu cơ của Anh cũng bắt đầu tham chiến), nhưng rõ ràng thế là chưa đủ. Chiến dịch không kích sẽ khó có được kết quả như người Mỹ mong muốn nếu không có sự tham gia của các nước đang có “vấn đề” này.
Mặc dù Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng đã tuyên bố không phản đối chiến dịch không kích, nhưng đó chỉ là trong trường hợp các đợt ném bom của liên quân nhằm vào IS, và nhất là chính phủ của ông phải được thông báo trước. Chính mục tiêu kép “tiêu diệt IS, đồng thời giải quyết hết mọi vấn đề của cuộc khủng hoảng Syria” trong “Chiến lược chống khủng bố” đang làm khó chính người công bố nó. Với nguồn lực có hạn hiện nay của nước Mỹ, nếu Tổng thống Obama coi IS là nguy cơ hàng đầu, là “khối ung thư cần cắt bỏ ngay” thì ông khó có thể giữ mãi tham vọng trên. Thỏa hiệp với chính quyền Syria, cho dù chỉ trong ngắn hạn, có lẽ là bước đi khôn ngoan hơn cả.
Người Mỹ còn gặp khó khăn hơn nhiều trong quan hệ với Iran. Cũng giống như với Syria, trong khi thừa biết chiến dịch chống IS không thể thiếu sự tham gia của Iran nhưng chính quyền Obama vẫn có tham vọng đạt được thỏa thuận có lợi về chương trình hạt nhân với nước này. Hiện tại, chính quyền của Tổng thống Iran M. Rouhani đang có những hoạt động phối hợp với Baghdad chống lại IS nhưng chỉ trên lãnh thổ Iraq. Để có thể lôi kéo Iran vào cuộc chiến chống IS trên cả lãnh thổ Syria, người Mỹ buộc phải có thỏa hiệp không chỉ trong chương trình hạt nhân, mà thậm chí cả trong quan hệ giữa Iran và Syria.
Đương nhiên, chiến dịch không kích còn đụng chạm tới Nga, một đồng minh của Syria. Hiện tại, Nga là một trong số ít nước vẫn tỏ ra lo ngại với các cuộc không kích của Mỹ trên lãnh thổ Syria, và vì thế chính quyền Obama cũng rất cần sự ủng hộ, hoặc chí ít là không cản trở của Nga trong cuộc chiến chống IS. Để đạt được điều này, Mỹ khó có thể tiếp tục các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ucraina.
Khổ nỗi, mọi sự thỏa hiệp với nhóm nước này lại rất có thể sẽ phá vỡ toàn bộ những toan tính chiến lược của chính quyền Obama. Với Syria và Iran, thỏa hiệp sẽ là bước ngoặt không chỉ đe dọa phá vỡ những nguyên tắc trong chính sách mà Tổng thống Obama vẫn theo đuổi từ năm 2009 đến nay, mà còn “làm khó” các mối quan hệ giữa Mỹ với những đồng minh Ảrập. Thỏa hiệp với Nga chắc chắn sẽ còn có những hệ lụy khó lường hơn. Có lẽ vì thế mà Washington vẫn chưa có bất cứ một tín hiệu hưởng ứng tích cực nào trước đề xuất “tái khởi động” quan hệ của ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (đưa ra hôm 28-9-2014 bên lề kỳ họp khóa 69 của Đại Hội Đồng LHQ).
Theo chiều ngược lại, đương nhiên chiến dịch không kích cũng khiến cho không ít nước rơi vào cảnh hết sức khó khăn trong lựa chọn chính sách. Đơn cử như đối với Syria, Tổng thống Bashar al-Assad khó có thể phản đối chiến dịch không kích của Mỹ, bởi vừa khó (đây là vùng lãnh thổ hiện đang bị IS kiểm soát) vừa bất lợi (IS cũng là mối lo của chính Syria), thậm chí dễ bị lên án là tiếp tay cho IS. Với nước Nga, chiến dịch không kích của Mỹ có thể được các nhà lãnh đạo Nga đánh giá là một cơ hội để có thể cải thiện mối quan hệ với Mỹ, bởi lệnh trừng phạt của phương Tây rõ ràng đang khiến người Nga gặp nhiều bất lợi. Hoặc như ngay cả với nước Anh, Thủ tướng David Cameron cũng không thể mãi giữ lập trường không tham gia vào chiến dịch không kích. Vụ trưng cầu dân ý ở Scotland khiến người Anh cảm nhận được mối nguy của tình trạng bị cô lập. Hơn thế, việc từ chối tham gia còn khiến hình ảnh nước Anh xấu đi với Mỹ và cả trên trường quốc tế, bởi trước đó Anh luôn là đồng minh “kề vai sát cánh” với Mỹ trong suốt quá trình chống khủng bố quốc tế từ sau vụ 11-9-2001.
Vẫn biết rằng, chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng IS tại Syria là điều trước sau gì cũng đến (do IS chiếm cứ một vùng lãnh thổ trải dài dọc biên giới Iraq – Syria), nhưng có lẽ bản thân Mỹ và liên quân cũng khó có thể tưởng tượng được âm hưởng của chiến dịch này lại lớn đến vậy. Còn người viết thì thấy thật sự bất ngờ về tốc độ hiện thực hóa của dự báo về khả năng “Trung Đông bị đảo lộn bởi IS”. Giờ đây. điều đáng quan tâm nhất có lẽ là những hệ lụy của sự đảo lộn này.