Khủng hoảng Thái-lan bước vào giai đoạn hai

|

NDO - NDĐT- Những tưởng quyết định phế truất Thủ tướng lâm thời Yingluck Shinawatra của Tòa án hiến pháp Thái-lan hôm 7-5-2014 sẽ mở ra cho đất nước Chùa Vàng cơ hội tái lập trật tự. Bởi lẽ, cái cớ "loại bỏ quyền lực của gia đình Shinawatra" để những người thuộc phe đảng Dân chủ đối lập (phe áo vàng) tiến hành các cuộc biểu tình kéo dài suốt từ tháng 11-2013, đã không còn.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại hoàn toàn ngược lại, đỉnh điểm là ngày 19-5-2014, sau sáu tháng "im tiếng" quân đội Thái-lan đã ban bố Lệnh thiết quân luật toàn quốc cho đến khi "hòa bình được thiết lập". Người dân Thái-lan đang phải đối mặt với không ít kịch bản, mà kịch bản nào cũng phức tạp và nguy hiểm.

Trước hết, với đảng Dân chủ thì dường như việc Thủ tướng lâm thời Yingluck bị phế truất chỉ là một điểm dừng trong lộ trình giành quyền lực. Giờ đây, các nhà lãnh đạo phe áo vàng bắt đầu công khai những mục tiêu tiếp theo. Họ yêu cầu toàn bộ chính phủ tạm quyền hiện thời phải bị thải hồi và quốc hội sẽ chỉ định một thủ tướng trung lập. Tổng Thư ký Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) Thái-lan Suthep Thaugsuban đe dọa: “Nếu chúng ta không thể làm được điều đó một cách nhẹ nhàng trong ba ngày, khi ấy nhân dân sẽ ra tay theo cách của mình”. Ông Suthep khẳng định, “Chính quyền đã mất người lãnh đạo, chỉ còn một thủ tướng tạm bợ với quyền lực ít ỏi. Người dân hy vọng chúng ta sẽ có một thủ tướng mới do thượng viện chỉ định. Nếu không, chúng tôi sẽ buộc phải hành động. Chúng ta không thể để đất nước tiếp tục tình trạng hiện nay”. Bất chấp lệnh truy nã (đã là lần thứ ba kể từ tháng 12-2013) của Tòa án hình sự Thái-lan, Ông Suthep đã dẫn đầu đoàn biểu tình chiếm tòa nhà chính phủ. Đồng thời, phe này cũng từ chối tham gia cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra ngày 20-7-2014 và nhắc lại yêu sách muốn thành lập một “hội đồng nhân dân” không thông qua bầu cử, có trách nhiệm cải cách hệ thống chính trị Thái-lan. Như vậy, phe áo vàng chắc chắn sẽ vẫn tiến hành các cuộc biểu tình, kể cả khi lệnh thiết quân luật vẫn đang có hiệu lực.

Với lực lượng thân chính phủ, cho dù trước đó những người áo đỏ (thuộc Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) đã phong tỏa trụ sở chính phủ để yêu cầu chính phủ của bà Yingluck trả khoản tiền trợ giá gạo như đã hứa, nhưng giờ đây cũng chính những người nông dân này lại bắt đầu tiến hành biểu tình để phản đối quyết định phế truất bà Yingluck của Tòa án hiến pháp. UDD phản đối việc chọn một người không phải nghị sĩ làm một “thủ tướng trung lập” như đề xuất PDRC. Thủ lĩnh UDD Jatuporn Prompan cảnh báo: “Áo đỏ không chấp nhận việc chỉ định thủ tướng bởi đó là hành vi phi dân chủ và vi phạm hiến pháp. Đó sẽ là sự khởi đầu của một thảm họa đối với đất nước này và sẽ dẫn tới nội chiến”. Việc phế truất bà Yingluck cùng chín bộ trưởng khiến chính phủ thuộc đảng Pheu Thai yếu đi, song vẫn nắm quyền điều hành đất nước với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongpaisarn làm Thủ tướng tạm quyền và khoảng 20 thành viên nội các không bị bãi chức. Hơn thế, họ tin tưởng sẽ lại tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào ngày 20-7 tới. Đây có lẽ là những lý do chính khiến phe áo đỏ hiện đang giữ thái độ kiềm chế. Họ tuyên bố tuân thủ lệnh thiết quân luật nhưng sẽ đấu tranh chống lại bất kỳ cuộc đảo chính nào.

Với thái độ không khoan nhượng của hai lực lượng trên, thời gian tới chính trường Thái-lan rất có thể lại xảy ra những cuộc đụng độ "áo đỏ - áo vàng" như đã từng trong quá khứ. Kịch bản đặc biệt nghiêm trọng như xung đột năm 2010 khiến gần 100 người thiệt mạng rất có thể lại được tái diễn.

Việc quân đội lên tiếng sau hơn sáu tháng giữ thái độ trung lập đang hé mở một kịch bản mới - nguy cơ xuất hiện một cuộc đảo chính. Sự quan ngại này là hoàn toàn có cơ sở với một chính trường đã có tới tám cuộc đảo chính quân sự trong hơn 80 năm qua. Tướng lục quân Prayuth Chanocha khi ban bố lệnh thiết quân luật vẫn khẳng định: "đây không phải là một cuộc đảo chính, đơn giản chỉ là hành động cần thiết để ngăn chặn bạo lực, và hy vọng các bên đối thoại để tìm ra giải pháp nhằm vãn hội hòa bình cho đất nước". Nghịch lý ở chỗ, người ta đã phê phán thái độ trung lập của quân đội như một kiểu "vô trách nhiệm" với tình trạng bạo lực kéo dài, nhưng khi quân đội bắt đầu có những bước đi đầu tiên thì lập tức bị nghi ngờ. Một mặt, người ta hy vọng sự can thiệp của quân đội sẽ buộc được các bên "ai về nhà nấy" và sẽ giúp Thái-lan tránh được nguy cơ nổ ra nội chiến. Mặt khác, sự can thiệp của quân đội lại tiềm ẩn những bất ổn mới, bởi ai sẽ là người được quân đội ủng hộ. Ngay sau khi lệnh thiết quân luật được ban bố, quân đội Thái-lan đã phải chịu không ít sức ép từ bên ngoài, tiêu biểu là từ phía đồng minh Mỹ. Người phát ngôn của Nhà Trắng Psaky khẳng định, Thái-lan cần thiết một cuộc tổng tuyển cử. Ngoài ra, nỗi ám ảnh của sự kiện 2010 có thể khiến quân đội Thái-lan trở nên thiếu quyết đoán, và nếu vậy, sự can thiệp này sẽ càng khiến tình hình trở nên rối hơn.

Quyết định phế truất bà Yingluck cũng cho thấy một vai trò mới của Tòa án hiến pháp. Đương nhiên, trong bối cảnh cuộc tranh giành giữa hai phe áo đỏ - áo vàng bất phân thắng bại nếu Tòa án thể hiện được vai trò cầm cân nảy mực sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với tương lai của Thái-lan. Nhưng không phải vô cớ mà phe PDRC đã thay đổi chiến thuật sau khi chiến dịch phong tỏa Bangkok hồi đầu năm 2014 bị thất bại. PDRC đã gọi quyết định hôm 7-5-2014 của Tòa án hiến pháp là "cuộc đảo chính tư pháp”. Nói cách khác, việc Tòa án hiến pháp can thiệp vào tình hình xung đột là hợp lý, và là điều lẽ ra phải làm sớm hơn. Kịch bản này chỉ có thể theo chiều hướng tích cực nếu tòa án giữ được quan điểm "thượng tôn pháp luật". Việc tòa án hiến pháp, thượng viện đưa ra phương án "chỉ định một thủ tướng trung lập" đang khiến cho sự tham gia của tòa án hiến pháp lại càng khiến xung đột áo đỏ - áo vàng đến nhanh hơn.

Trong suốt thời gian qua, hoàng gia hầu như chưa có bất cứ một động thái nào cho thấy đây là một đất nước theo mô hình quân chủ lập hiến. Sự vào cuộc của quân đội rất có thể sẽ kéo theo sự can thiệp của hoàng gia. Đây cũng sẽ là một kịch bản không kém phần phức tạp, bởi mối quan hệ của hoàng gia với phe áo đỏ và áo vàng là không hề cân xứng.

Trong rất nhiều những lý do khiến chính trường Thái-lan thực sự đang bước vào giai đoạn hai của cuộc khủng hoảng, có lẽ nguyên nhân chủ yếu nhất là do những nhà lãnh đạo của tất cả các lực lượng đang nghĩ về bản thân quá nhiều. Không biết việc tăng trưởng của đất nước đã giảm 0,6% trong Quý I năm 2014 này (dự báo tăng trưởng của Thái-lan cũng vừa bị hạ từ 3% - 3,5%/ xuống còn 1,5% - 2% trong năm nay) có khiến họ thay đổi cách tiếp cận mâu thuẫn phe phái hiện hữu hay không. Chính vì thế, kịch bản đáng lo ngại nhất trong giai đoạn hai này chính là việc không tổ chức được cuộc bầu cử vào 20-7 tới.