Cảm nhận này là hoàn toàn có cở sở, bởi từ trước tới nay Mỹ vẫn luôn là nhà bảo trợ chính của tiến trình hòa bình Trung Đông, thêm nữa là cách hành xử bị cho là "yếu đuối", "không đúng với phong cách" Mỹ của chính quyền Obama trong nhiều vấn đề quốc tế, tiêu biểu như các vấn đề Syria, Ucraina hay tranh chấp biển, đảo ở Đông Á. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những gì diễn ra trong các cuộc hòa đàm Israel – Palestin trong suốt thời gian qua, và cả nhiều vấn đề nóng bỏng khác hiện nay trên thế giới, thì tuyên bố "tạm dừng" của ngoại trưởng Mỹ cũng không hoàn toàn vô lý.
Có lẽ đời sống quốc tế cũng có những điểm không khác mấy trong lĩnh vực khoa học. Năm 1997, giải thưởng Nobel vật lý đã được trao cho ba nhà khoa học Steven Chu, Claude Cohen-Tannoudji và William Phillips “do sự phát triển của họ đối với các phương pháp làm lạnh và bẫy nguyên tử bởi ánh sáng laze" (hiểu một cách nôm na là phương pháp “tạm dừng” chuyển động của nguyên tử). Ở nhiệt độ phòng, các nguyên tử và phân tử của không khí chuyển động theo các hướng khác nhau với vận tốc khoảng 4000 km/ h, và với tốc độ này, khó có thể nghiên cứu chúng được. Chính vì thế, các phương pháp làm giảm tốc nguyên tử của họ được đánh giá là một thành tựu vô cùng quan trọng cho các nghiên cứu về tác động lẫn nhau giữa bức xạ và vật chất hay nghiên cứu cấu trúc nguyên tử trong tương lai.
Vào thời điểm hiện tại, khi mà những giải pháp liên tục được đưa ra nhằm giải quyết các điểm nóng, điển hình là tiến trình hòa bình Trung Đông, nhưng không đem lại kết quả, thì có lẽ cộng đồng quốc tế, trước hết là các bên liên quan trực tiếp, cũng cần có một khoảng lặng nhất định, bởi việc "tạm dừng" đôi khi lại đem đến những những bước đột phá tích cực ngoài sức tưởng tượng.
Được khởi động từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, trên thực tế tiến trình hòa bình Trung Đông cũng đạt được không ít thỏa thuận, điển hình như hiệp định Oslo I (9-1993), Oslo II (9-1995) hay Wye River (10-1998). Tuy nhiên, tất cả đều chỉ dừng lại trên giấy tờ, thậm chí từ năm 2010 tiến trình này đã bị ngưng trệ hoàn toàn. Ngay sau khi nhậm chức, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã dành phần lớn thời gian để tái khởi động lại hòa đàm Israel – Palestin nhằm minh chứng cho chủ thuyết “sẵn sàng đối thoại với thế giới Hồi giáo” đã được Tổng thống Obama vạch ra ngay trong nhiệm kỳ đầu.
Nhưng rồi những nỗ lực của các bên sau 9 tháng lại quay trở về điểm xuất phát với việc chính quyền Israel đơn phương tuyên bố rút khỏi tiến trình đàm phán (ngày 24-4-2014). Thậm chí, ngay sau đó, hai bên bắt đầu các biện pháp trả đũa ngoại giao nhau. Như một lẽ tất nhiên, trước những thất bại liên tiếp của tiến trình hòa bình Trung Đông, chí ít là trong hơn 20 năm qua, buộc người ta phải đặt câu hỏi về tương lai của tiến trình này. Thực tế cho thấy, với những khác biệt quá lớn giữa Israel và Palestin thì nếu các bên cứ cố tiếp tục ngồi lại với nhau như trong giai đoạn vừa qua, chắc chắn sẽ khó có được bất cứ một kết quả khả quan nào. Sự bế tắc của tiến trình hòa bình Trung Đông thể hiện ở một số điểm chính sau:
Thứ nhất, theo quyết định phân trị của Liên Hợp Quốc năm 1947 thì việc thành lập hai nhà nước độc lập Israel và Palestin hoàn toàn do quyền tự quyết của hai dân tộc. Nhà nước Israel đã được thành lập năm 1948, còn nhà nước Palestin đến giờ vẫn chưa thành lập được. Trớ trêu thay, nguyên nhân chủ yếu lại là do sự phản đối của Israel, điều mà họ hoàn toàn không có quyền, và phần nào nữa là do sự phản đối của một số lực lượng từ chính trong lòng thế giới Ả rập. Hiện tại, chỉ còn duy nhất Israel và Palestin là không công nhận một thực tế không thể đảo ngược, đó là có sự tồn tại của hai nhà nước Israel và Palestin
Thứ hai, sở dĩ có điều phi lý trên là bởi cả Israel lẫn Palestin đều không nhượng bộ về lãnh thổ. Sau các cuộc chiến tranh Trung Đông, diện tích đất theo quyết định phân trị đã có những thay đổi, cụ thể là Israel đang chiếm giữ của Palestin vùng Bờ Tây, Dải Gazza, cao nguyên Golan và Đông Jerusalem. Xét về mặt pháp lý, việc Palestin kiên quyết đòi lại tất cả các vùng lãnh thổ này là hoàn toàn hợp lý, nhưng phía Israel lại nhất quyết chỉ chấp nhận hoàn trả một phần bởi họ cho rằng đây mới là thực tế không thể thay đổi.
Thứ ba, theo truyền thuyết thì nguồn gốc lịch sử của cả Do thái giáo lẫn Hồi giáo đều liên quan tới Jeusalem. Tuy nhiên, cả hai phía đều khước từ phương án chia sẻ, mà Jerusalem lại chỉ có một. Hơn thế, trong vấn đề Jerusalem, bản thân chính quyền Palestin cũng không thể tự quyết bởi đây là vấn đề tín ngưỡng của cả thế giới Ả rập.
Thứ tư, mọi phương án được đưa ra trong các cuộc hòa đàm Israel – Palestin đều có dấu ấn của các lực lượng bên ngoài, trước hết là của Mỹ. Chính vì thế, tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” là điều khó tránh khỏi, hệ quả tất yếu là hoặc một bên hoặc tất cả đều tìm cách xóa bỏ thỏa thuận vừa đạt được, cho dù để đạt được nó là không hề dễ dàng.
Cuối cùng, việc ấn định những thời hạn rõ ràng cho hòa đàm Israel – Palestin là phi thực tế, bởi mâu thuẫn giữa người Do thái và Palestin có tính lịch sử lâu đời hết sức phức tạp. Đơn cử như sau cuộc gặp Israel – Palestin hồi tháng 7-2013, ngoại trưởng John Kerry ấn định hạn chót (ngày 29-4-2014) để hai bên đạt được thỏa thuận khung. Tuy nhiên, chỉ cần xuất hiện một vài tình tiết như việc chính quyền Palestine nộp đơn xin gia nhập 15 hiệp ước quốc tế và cơ quan Liên Hợp Quốc, hay việc hai nhóm đối địch của Palestine là Fatah và Hamas đạt được thỏa thuận thành lập một chính phủ hòa giải v.v., là lập tức “hạn chót” của ông Kerry trở thành nỗi thất vọng.
Tóm lại, trong suốt thời gian qua tiến trình hòa bình Trung Đông sở dĩ luôn lâm vào bế tắc bởi cách tiếp cận của các bên đối với các nút thắt còn quá khác biệt. Palestin thì muốn trở về tình trạng của quyết định phân trị, hoặc chí ít là trước cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Israel thì lại muốn nguyên trạng như thực tế hiện tại. Điều cần khẳng định thêm là ngay cả các chính quyền Mỹ thời hậu Chiến tranh lạnh, từ Clinton tới Obama ngày càng tỏ ra bối rối trước những thay đổi của Trung Đông. Người Mỹ vừa muốn có một nhà nước Palestin để có thể tạo dựng hòa bình tại đây, đồng thời cũng vẫn muốn các lợi ích của đồng minh Israel không bị sứt mẻ. Tình trạng bế tắc như vậy thì tốt nhất các bên hãy ngồi "Thiền" một thời gian.
Vẫn biết việc so sánh với giải thưởng Nobel vật lý năm 1997 là khập khiễng, nhưng ít nhiều nó cũng giúp chúng ta thoát khỏi cảm giác "đang có một bước thụt lùi trước tình hình căng thẳng của thế giới" chỉ vì “phải tạm dừng”. Đơn giản bởi tiêu chí chuyển động của nhân loại, dù với vận tốc nhanh hay chậm, thì đều là nhằm hướng về phía trước.