EU bắt đầu “ném đá dò đường”?

|

NDO - NDĐT - Sau cuộc gặp chớp nhoáng với Tổng thống Nga V. Putin (tại sân bay Vnukovo, Moscow ngày 6-12-2014) đúng một tháng, Tổng thống Pháp Francois Hollande lại có một tuyên bố thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

Ngày 5-1-2014, trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh France Inter, Tổng thống Francois Hollande tuyên bố: “đến lúc cần gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, nếu Nga thể hiện có những tiến bộ trong vấn đề Ucraina”. Tuy nội dung không có gì mới so với những phát biểu trước đó của một số nhà lãnh đạo EU, và với chính những gì ông đã từng đề cập trong cuộc gặp tại Vnukovo, nhưng lần này tuyên bố của Tổng thống F. Hollande gây được tiếng vang bởi khá nhiều lý do.

Trước hết là bởi nó được đưa ra từ chính nhà lãnh đạo EU đầu tiên đã gặp gỡ Tổng thống Putin kể từ sau khi EU ban bố các biện pháp trừng phạt Nga. Điều này tự nó đã nói lên một sự chủ ý có tính liên tục.

Thứ hai, tuyên bố được đưa ra ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2015 nên không tránh khỏi sự suy đoán theo kiểu “phải chăng đây là định hướng của năm?”

Thứ ba, tuyên bố của Tổng thống Hollande được đưa ra sau khi có khá nhiều những phát biểu tương tự của các nhà lãnh đạo Séc, Ba Lan, Áo, Italia v.v., và gần nhất là của Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel (hôm 4-1-2014). Căn cứ vào nguyên tắc nhất trí trong việc ra chính sách đối ngoại của EU, thì dường như tuyên bố của ông Hollande đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một cá nhân, nó mang nhiều dáng dấp của một định hướng chính sách của cả Liên hiệp (EU). Điều này càng có tính thuyết phục, bởi chỉ còn 10 ngày nữa (ngày 15-1-2015), theo dự kiến EU sẽ tham gia cuộc thương lượng quốc tế về Ucraina tại thủ đô Astana của Kazakhstan với sự có mặt của cả Nga và Ucraina.

Thực tế những gì diễn ra kể từ khi EU áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga (17-3-2014) đến nay cho thấy, đã đến lúc EU phải cân nhắc việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, chí ít là cách tiếp cận về mối nguy cơ từ Nga.

Đầu tiên là những thiệt hại về kinh tế mà nhiều nước thành viên của EU đang phải gánh chịu. Rồi đây các nhà chức trách EU sẽ đưa ra một bảng thống kê chi tiết, sẽ nhanh thôi vì đó vốn là thế mạnh vượt trội của các chuyên gia EU. Nhưng chỉ riêng một vài con số trong thông báo của Eurostat (hôm 7-1-2015), như: đồng euro đã mất giá kỷ lục chỉ còn 1,195 USD/euro, mức thấp nhất trong chín năm qua (thời điểm tính là ngày 5-1-2014); lần đầu tiên EU rơi vào tình trạng giảm phát kể từ tháng 10-2009; mức tăng trưởng của Eurozone trong năm 2015 cùng lắm đạt 0,8% (so với mức dự báo trước đó là 1,4%) v.v., cũng đủ lực khiến tất cả thành viên EU thêm chán nản với chính sách trừng phạt Nga.

Quan trọng hơn, các biện pháp trừng phạt Nga đã không giúp EU đạt được mục đích. Ban đầu, EU biện giải cho việc làm này là để phản đối việc Nga sát nhập Crưm. Sau thảm họa hàng không MH17, EU bắt đầu mở rộng lý do trừng phạt là vì toàn bộ cuộc khủng hoảng Ucraina. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các nhà lãnh đạo EU đã nhận thấy quan hệ đối đầu với Nga đều không thể giải quyết cả hai vấn đề trên. Những biện pháp trừng phạt đúng là đã khiến kinh tế Nga suy yếu, nhưng khó có thể dẫn đến sụp đổ, đơn giản bởi tiềm năng cũng như mô hình kinh tế Nga. Trong bối cảnh Nga còn rất nhiều bạn hàng trên thế giới, mà bản thân EU cũng còn lệ thuộc vào thị trường Nga không ít, thì rõ ràng EU khó có thể dùng sức ép kinh tế để buộc Nga phải chấp nhận đầu hàng.

Hơn nữa, chính tính chất nan giải của vấn đề Ucraina buộc EU phải hợp tác với Nga. Kể cả trong trường hợp cả Nga và EU ngừng can thiệp vào tình hình nội bộ Ucraina, như những cáo buộc lẫn nhau của đôi bên, nhưng chỉ riêng việc quan hệ Nga – EU vẫn tiếp tục căng thẳng cũng đủ khiến cho những thỏa thuận ngừng bắn kiểu thỏa thuận Minsk (ký hôm 5-9-2014) chỉ có hiệu lực trên giấy tờ. Cuộc giao tranh giữa chính quyền trung ương Kiev và các lực lượng li khai miền Đông chỉ có thể ngưng khi EU và Nga đồng thuận về một giải pháp.

Điều cần nhấn mạnh thêm nữa chính là thái độ thiện chí hợp tác của Nga. Trong lúc phải gồng mình chống trả các biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ cũng như những khó khăn do giá dầu giảm, các nhà lãnh đạo Nga vẫn luôn khẳng định sẵn sàng đối thoại. Trong thông điệp Liên bang hôm 4-12-2014, Tổng thống Putin một lần nữa khẳng định: “Nga sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ và châu Âu, bất chấp cuộc khủng hoảng Ucraina với mục tiêu là loại bỏ các rào chắn chứ không phải là dựng chúng lên".

Đặc biệt, ngoài vấn đề với Nga, EU hiện cũng đang phải dành nguồn lực để đối phó với rất nhiều nguy cơ khác. Ngoài những khó khăn kinh tế, sự chia rẽ trong nội bộ EU, cuộc chiến chống IS v.v., thì vụ xả súng đẫm máu mới đây tại Pháp (hôm 7-1-2015 vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo khiến 12 người thiệt mạng, 20 người bị thương) càng khiến các nhà lãnh đạo EU hiểu thêm rằng, họ sẽ chỉ càng thêm khó khăn nếu cứ tiếp tục căng thẳng với Nga.

Tuy nhiên, cũng bới tính nước đôi trong tuyên bố của Tổng thống Hollande khiến vẫn còn những hoài nghi về khả năng EU chấp nhận dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Bởi lẽ, để có thể đi đến quyết định này EU phải tháo gỡ được ít nhất hai rào cản.

Đầu tiên là sự đồng thuận trong EU về hành động của Nga. Trong suốt thời gian qua, phía Nga luôn khẳng định lập trường nhất quán trong vấn đề Ucraina, thậm chí ngay sau tuyên bố của Tổng thống Hollande, ngày 6-1-2014, một lần nữa người phát ngôn của chính phủ Nga tuyên bố Moscow không hề có ý định muốn chiếm miền Đông Ukraine để sáp nhập vào lãnh thổ của mình. Điều này thì Tổng thống Hollande và một số nhà lãnh đạo EU hiểu, nhưng chưa phải là tất cả. Bằng chứng là việc EU vẫn đòi hỏi “Nga phải tỏ thiện chí trong việc hợp tác giải quyết dứt điểm vấn đề miền Đông ở Ucraina”, nhưng đó là những hành động cụ thể nào thì EU không thể nêu ra. Tâm lý e ngại Nga của một số nước thành viên EU sát biên giới với Nga cũng khiến sự chia rẽ quan điểm trong EU không thể ngay lập tức khắc phục được. Đó là chưa tính đến mức độ tác động có thể từ phía Nga lên các lực lượng li khai miền Đông liệu có đủ góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng Ucraina.

Rào cản tâm lý “chịu thua Nga” cũng không hề gỡ bỏ, nhất lại đang được những khó khăn mà Nga đang phải gánh chịu (kinh tế Nga đang suy yếu nghiêm trọng) cổ súy. Hơn nữa, lệnh trừng phạt Nga còn là sự phối hợp giữa EU với Mỹ, vì thế để có thể dỡ bỏ còn phụ thuộc cả vào tâm lý của người Mỹ. Điều này sẽ là một trở ngại không nhỏ khi phe Cộng hòa bắt đầu thể hiện vai trò kiểm soát Lưỡng viện.

Như vậy, có thể hiểu, trước khi đi đến quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt, tuyên bố của Tổng thống Hollande giống như hành động “ném đá dò đường” của EU với Nga, Ucraina, Mỹ và có lẽ cả chính họ nữa.