Xét về góc độ y tế, bệnh do nhiễm virus Ebola đang thực sự là mối hiểm họa đối với nhân loại trên quy mô toàn cầu.
Sau một thời gian "im tiếng", ngày 22-3-2014 virus Ebola lại bắt đầu xuất hiện tại một vùng rừng phía nam Guinea và ngay lập tức đã khiến 59 người dân thiệt mạng. Căn bệnh quái ác này mau chóng lây lan sang các quốc gia láng giềng như Liberia, Sierra Leone, Nigeria. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 19-8-2014, 1.229 người đã chết, gần 2.500 người qua xét nghiệm đã bị nhiễm virus Ebola. Kể từ thời điểm lần đầu tiên virus Ebola được phát hiện vào năm 1976, dịch bệnh này đã nhiều lần bùng phát nhưng đây là đợt dữ dội nhất và có nguy cơ lây lan trên diện rộng toàn cầu cao hơn cả.
Tuyên bố “cho phép sử dụng loại thuốc ZMapp (mới ở dạng huyết thanh) chưa qua thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh cho các bệnh nhân mắc virus Ebola nguy hiểm” sau phiên họp tại Geneva ngày 12-8-2014 của WHO cho thấy mức độ nguy hiểm của dịch bệnh do nhiễm virus Ebola đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Với tỷ lệ tử vong lên tới 90% lại chưa có bất kể một loại vắc-xin nào có thể chữa trị thì việc hầu hết các quốc gia đã phải đặt trong tình trạng báo động đỏ đối với dịch bệnh do nhiễm virus Ebola cũng là điều đương nhiên. Tại Việt Nam, Trung tâm Y tế dự phòng đã phải thành lập các đội phản ứng nhanh phòng chống Ebola từ tuyến thành phố tới tuyến các quận, huyện.
Xét dưới góc độ chính trị quốc tế, dịch bệnh do nhiễm virus Ebola cũng đang đưa ra những cảnh báo không thể coi thường đối với cộng đồng quốc tế.
Thứ nhất, với thực trạng của đời sống quốc tế như hiện nay, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục còn phải đối mặt với Ebola và nhiều loại dịch bệnh khác như AIDS/HIV, cúm gà (các chủng loại H5), lao kháng thuốc v.v. Một thực tế rõ ràng là, dịch bệnh Ebola đều bắt đầu bùng phát tại các nước nghèo đói và xung đột liên miên, tiêu biểu như khu vực Tây Phi. Những căn nhà tồi tàn hay những lều trại tị nạn là những địa điểm lý tưởng để những dịch bệnh phát triển, thậm chí còn tạo ra điều kiện môi trường cho những căn bệnh quái lạ như kiểu AIDS và Ebola nảy sinh. Hơn nữa, tại những nơi này, khả năng điều trị lại càng bị giảm thiểu. Chúng ta có thể dễ dàng hình dung sự bất lực của mọi tổ chức y tế trước Ebola, nếu nó xuất hiện tại những nơi đang có giao tranh như Syria, Lybia, dải Gaza hay Ucraina. Ông Joanne Liu, Chủ tịch Tổ chức Bác sĩ không biên giới, cho biết cộng đồng quốc tế sẽ mất tối thiểu sáu tháng để kiểm soát dịch bệnh Ebola nhưng đó là trong trường hợp các bác sĩ có thể tiếp cận với các khu vực có dịch bệnh và đủ điều kiện chữa trị. Như vậy, nếu dịch Ebola có được dập tắt thì đó cũng chỉ là kết quả mang tính tạm thời.
Thứ hai, quá trình đối phó với dịch bệnh Ebola, một lần nữa minh chứng cho hạn chế trong hợp tác quốc tế. Hành động thông thường của hầu hết các quốc gia khi đứng trước nguy cơ lây lan dịch bệnh là tăng cường kiểm tra dòng người nhập cảnh, khuyến cáo công dân không đi đến những vùng có dịch. WHO là cơ chế quốc tế được ủy quyền phối hợp hành động chủ yếu tại các vùng có dịch. Cuối cùng là những hoạt động quyên góp nhằm bổ sung nguồn tài chính cho các bác sĩ tham gia hoạt động cứu chữa. Với ý nghĩa phòng bệnh thì tất cả những gì mà các quốc gia đang và sẽ làm là hoàn toàn đúng đắn nhưng trước việc dịch Ebola tái phát không ít lần thì rõ ràng những hành động này là chưa đủ. Khi mà nguồn lực (tài chính và con người) của WHO là có hạn, đương nhiên để đối phó với các dịch bệnh, mà các quốc gia đã coi là nguy cơ an ninh phi truyền thống, cần có sự hợp tác sâu rộng hơn, với sự tham gia của tất cả cộng đồng quốc tế. Khổ nỗi, nếu đặt dịch Ebola trong bối cảnh khoảng cách giàu nghèo giữa các nước vẫn còn quá lớn, những xung đột, tranh chấp vì đủ loại mâu thuẫn, điển hình là do những tham vọng quyền lực hay chính sách áp đặt, bất chấp luật pháp quốc tế v.v., thì điều đương nhiên này lại khó trở thành hiện thực. Dịch bệnh Ebola tuy thực sự nguy hiểm nhưng có vẻ như vẫn chưa đủ lực để giúp các nước gạt bỏ đi những nghi kỵ, những lợi ích vị kỷ để cùng nhau chung sức chống lại bệnh tật.
Thứ ba, đầu tư cho nghiên cứu phòng chống dịch bệnh Ebola cũng vẫn đang là một vấn đề nan giải. Tất nhiên, không phải với bất cứ loại bệnh nào con người cũng đủ năng lực bào chế ra thuốc chữa trị nhưng nếu so sánh với căn bệnh thế kỷ AIDS thì rõ ràng việc đầu tư cho công tác nghiên cứu nhằm đối phó với Ebola vẫn còn chưa tương xứng. Ebola là căn bệnh hết sức nguy hiểm bởi tỷ lệ tử vong quá lớn, như lời Lugli, một bác sĩ của tổ chức Bác sĩ không biên giới đang làm việc tại các vùng dịch Ebola: “Với AIDS, hiện tại chúng ta đã có một vài biện pháp cứu chữa và người bệnh sống lâu hơn, họ có hy vọng. Với Ebola, vào thời điểm này chúng ta không có hy vọng”. Hơn nữa, virus Ebola đã được phát hiện từ năm 1976 và đã không ít lần dịch bệnh này bùng phát nhưng cho đến giờ mới chỉ có hãng dược Mapp Biopharmaceutical (San Diego, Mỹ) bào chế được loại thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể của chuột) với tên gọi ZMapp. Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, có thể sự hạn chế đi lại đã khiến Ebola được coi là căn bệnh có tính đặc thù của riêng vùng Tây Phi và vì thế chỉ có những nhà khoa học quan tâm đến khu vực này mới đầu tư nghiên cứu về Ebola. 20 năm đã trôi qua sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đã không có sự tiến triển nào trong công tác nghiên cứu chống Ebola và đây có lẽ cũng là nguyên nhân duy nhất có thể lý giải cho việc WHO phải quyết định cho sử dụng ZMapp, cho dù Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) chưa cấp phép cho sử dụng rộng rãi vì đang trong quá trình thử nghiệm.
Trên hết, các quốc gia cần xem xét lại cách tiếp cận đối với các vấn đề có tính toàn cầu như dịch bệnh Ebola. Về lý thuyết thì ai cũng đã thấy là để đối phó với Ebola cần có sự gắn kết các nước với nhau nhưng những toan tính lợi ích lại là rào cản quá lớn để hiện thực hóa sự cần thiết này. Hy vọng lời cảnh báo mạnh mẽ từ cuộc chiến chống lại dịch bệnh Ebola lần này sẽ góp phần tạo dựng được lòng tin để bắt đầu một giai đoạn hợp tác thực sự giữa các quốc gia, bởi chúng ta vẫn còn phải đối mặt với không ít các vấn đề có tính toàn cầu như dịch bệnh Ebola.