Chiến lược an ninh mới của Nhật Bản: Logic của sự tích tụ

|

NDO - NDĐT-Chỉ trong vòng gần một năm cầm quyền, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe thực sự đã làm thay đổi hình ảnh một nước Nhật quen thuộc trong suốt hơn 20 năm qua, kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Ngay sau khi nhậm chức, tháng 1-2013, Thủ tướng Abe đã công bố một kế hoạch phục hưng nền kinh tế với tên gọi là Abenomic và một quyết định tăng ngân sách quốc phòng trong tài khóa 2013 lên 4.770 tỷ Yên (tương đương 53,82 tỷ USD), trong khi năm 2012 là 4.710 tỷ Yên. Căn cứ vào những hoạt động sau đó, đỉnh điểm là việc chính phủ Nhật Bản đã chính thức phê chuẩn chiến lược an ninh quốc gia mới vào ngày 17-12-2013. Hoàn toàn có lý khi nói rằng Thủ tướng Shinzo Abe đang từng bước đưa nước Nhật trở lại trạng thái “bình thường”.

Chiến lược an ninh quốc gia mới dự trù trong vòng năm năm (2014-2019) sẽ tăng 5% ngân sách quốc phòng so với ngân sách hiện tại (vào khoảng 24,7 nghìn tỷ Yên tương đương 240 tỷ USD), chủ yếu dùng để mua thêm thiết bị, vũ khí. Theo chiến lược an ninh mới, quân đội Nhật Bản sẽ được củng cố toàn diện trong năm năm tới bằng việc sẽ mua thêm bảy khu trục hạm, nâng tổng số tàu chiến loại này của Nhật Bản lên thành 54 chiếc; thêm sáu tàu ngầm (nâng tổng số lên 22); 28 chiến đấu cơ F-35A, 17 máy bay Osprey, 5 chiến hạm lớp Destroyer trong đó có hai hệ thống chống tên lửa đạn đạo Aegis. Một phi đội thứ hai gồm 20 chiến đấu cơ F-15 sẽ được triển khai trên đảo Okinawa, gần vùng Senkaku, cùng với loại máy bay cảnh báo sớm. Quân đội Nhật Bản sẽ cung cấp thêm máy bay không người lái cho lực lượng không quân, và sẽ lần đầu tiên thành lập một lực lượng Thủy quân lục chiến theo mô hình của Mỹ.

Với việc chỉ đích danh những tranh chấp biển, đảo với Trung Quốc là lý do chính cho lần điều chỉnh lần này, chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản chắc chắn sẽ chỉ làm cho quan hệ Nhật – Trung, vốn đang hết sức căng thẳng trong thời gian qua, thêm xấu đi. Thậm chí, việc chính phủ Nhật cho công bố chiến lược an ninh quốc gia (chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố về khu vực nhận dạng vùng phòng không (ADIZ) bao trùm lên vùng đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư) rất có thể dẫn đến đụng độ quân sự quy mô lớn hơn với Trung Quốc, điều mà cả hai chắc chắn đều muốn né tránh. Rủi ro này rất dễ lây lan ra toàn bộ khu vực, đơn giản vì cả hai cường quốc này đều có những mối liên hệ mật thiết với các nước trong khu vực. Hơn thế, sự gia tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng (theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, với mức chi khoảng 23,37 nghìn tỉ Yên trong kế hoạch năm năm trước đó thì Tokyo đã đứng hàng thứ năm trên thế giới về chi tiêu quân sự) đương nhiên sẽ khiến nguồn lực hỗ trợ các chương trình phát triển kinh tế sụt giảm. Quan trọng hơn cả, việc gia tăng sức mạnh quân sự mang nặng tính răn đe hơn là nhằm để giải quyết những tranh chấp, va chạm về lãnh thổ không chỉ với với Trung Quốc, và mà đặc biệt là với đồng minh Hàn Quốc.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá trình phát triển của Nhật Bản từ sau Thế chiến II đến nay thì việc ra đời một chiến lược an ninh mới dường như lại là hệ quả của một sự tích tụ những tất yếu.

Trước hết, tình trạng “bất bình thường” chỉ có thể giúp Nhật Bản phát triển trong bối cảnh Chiến tranh lạnh. 20 năm qua, mỗi động thái trong lĩnh vực quốc phòng của Nhật Bản đều là cái cớ có thể khiến cho các nước trong khu vực nghi ngại, và như vậy tình trạng này đang dần trở thành rào cản đối với những bước phát triển tiếp theo đối với đất nước Mặt Trời mọc. Theo ông Abe, việc thông qua Chiến lược An ninh quốc gia mới sẽ giúp cho chính sách ngoại giao và an ninh của Nhật rõ ràng và minh bạch đối với cả người dân Nhật Bản và cả thế giới.

Thứ hai, chiến lược an ninh quốc gia mới này không chỉ đơn thuần là tăng chi tiêu quốc phòng mà còn mở đường cho sự phát triển công nghiệp quốc phòng cũng như cơ hội gia tăng sự tham gia của Nhật Bản vào các công việc quốc tế – điều mà các chính quyền Nhật Bản đã ấp ủ từ sau khi trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Ngay sau khi chiến lược an ninh được phê chuẩn, ngày 22-12-2013, chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ cung cấp 10.000 viên đạn cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản vượt ra khỏi lệnh cấm xuất khẩu vũ khí thông qua viện trợ quân sự quốc tế. Tuy bản chiến lược an ninh mới không đề cập tới việc xem xét lại Hiến pháp hòa bình thời hậu chiến (điều 9) nhưng với quy định rà soát lại hàng năm chiến lược an ninh quốc gia thì rất có thể ngay năm sau, lực lượng quốc phòng của Nhật Bản sẽ có được những chức năng đầy đủ, trước hết như Thủ tướng Abe khẳng định: “để quân đội Nhật Bản có thể chủ động thực hiện những trách nhiệm quốc tế”.

Thứ ba, đích ngắm chủ yếu của bản chiến lược an ninh mới là Trung Quốc hoàn toàn không đơn giản chỉ vì những tranh chấp lãnh thổ gần đây, mà thực chất cũng là hệ quả của cả một quá trình tích tụ. Với vị thế của một quốc đảo bé nhỏ, sự lớn mạnh của một quốc gia lục địa rộng lớn có biển tiếp giáp bao giờ cũng khiến Nhật Bản e ngại. Những thành công vượt bậc của Trung Quốc sau hơn 30 năm cải cách không chỉ lấy đi vị trí cường quốc kinh tế số 2 thế giới mà còn đang khiến người Nhật cảm thấy tổng thể khoảng không sinh tồn bị đe dọa. Chính phủ Abe lựa chọn cách tiếp cận cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc vừa giúp kích hoạt tinh thần Samurai của người dân vừa có thể tạo ra một hình ảnh chủ động mới của Nhật Bản trong con mắt của các nước trong khu vực. Bởi đã từ lâu, trong khu vực Nhật Bản thường được nhắc đến chủ yếu với tư cách là một nhà cung cấp ODA hào phóng.

Thứ tư, chiến lược an ninh mới cũng thể hiện quyết tâm thoát ra khỏi cái ô an ninh Mỹ của chính phủ Abe. Do hoàn cảnh đặc biệt sau thất bại trong Thế chiến II, người Nhật đã phải cậy nhờ sự bảo hộ an ninh từ phía các đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự hiện diện lính Mỹ trên đất Nhật không chỉ là 1% GDP hàng năm mà còn rất nhiều những phiền toái khác, kể cả những chấn thương tâm lý đối với tinh thần võ sĩ đạo. Những hoạt động trong thời gian vừa qua của Trung Quốc, phần nào cả Đài Loan, chung quanh vùng đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư rất có thể xuất phát từ cách nhìn nhận về vị thế “nhờ vả” của Nhật Bản cũng như chính sách nước đôi của người Mỹ. Nếu vậy, qua chiến lược an ninh mới này có lẽ chính quyền Abe chỉ đang làm sống lại tinh thần “tách Mỹ” đã hình thành từ thời Thủ tướng Fukuda (còn gọi là học thuyết Fukuda 1978).

Một điều cũng cần phải ghi nhận, sự “tức nước vỡ bờ” này không tới mức khiến chính phủ Abe đi quá giới hạn. Trong bản chiến lược an ninh quốc gia mới, chính phủ Abe đã không hề nhắc đến khả năng tấn công trước để phòng ngừa, một khái niệm từng được nhiều chính khách trong đảng Dân chủ Tự do của ông Abe ủng hộ nhưng lại là nỗi quan ngại của một số nước trong khu vực. Bản chiến lược cũng nhấn mạnh, Tokyo sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, cố gắng giải quyết bất đồng một cách bình tĩnh để không leo thang căng thẳng.

Chưa biết trên tinh thần của chiến lược an ninh quốc gia mới này, chính phủ Abe sẽ định hình những bước đi tiếp theo trong năm tới ra sao, nhưng khả năng trở lại khu vực của một quốc gia “bình thường” đang ngày một rõ ràng hơn.