Ngày 13-2-2014, tức là chỉ vài ngày sau tuyên bố sẽ không ký hiệp ước an ninh song phương với Mỹ (BSA) trước cuộc bầu cử tổng thống (dự kiến diễn ra vào ngày 5-4-2014), chính phủ của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai lại quyết định phóng thích 65 tù nhân Taliban.
Điều đáng lưu tâm là những quyết định này được đưa ra trong bối cảnh hết sức nhạy cảm – quân đội Mỹ và đồng minh NATO sẽ rút khỏi đây vào cuối năm nay. Căn cứ vào những gì đã và đang diễn ra tại Afghanistan trong suốt hơn 10 năm qua, kể từ sau cuộc chiến tranh lật đổ chế độ Taliban năm 2001, thì dường như giông bão lại sắp ập tới một trong những quốc gia nghèo khó nhất thế giới hiện nay.
Trăm mối tơ vò
Những nỗ lực của chính phủ và người dân Afghanistan trong vòng 13 năm qua đã không đủ lực để có thể thay đổi được đời sống khốn khó của đất nước này. Đúng là sau khi chế độ Taliban bị lật đổ, nơi đây đã diễn ra cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử. Ông Hamid Karzai chính là tổng thống dân cử đầu tiên của Afghanistan sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2004. Đúng là đời sống của người dân Afghanistan đã có những chuyền biến tích cực nhất định trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2006.
Tuy nhiên, kể từ sau khủng hoảng kinh tế năm 2008 đến nay, tình hình Afghanistan có vẻ lại đang dần quay lại điểm xuất phát.
Tại thủ đô Kabul, khoảng 80% dân số ở các khu định cư tạm thời, luôn trong tình trạng thiếu nước sạch, vệ sinh kém. Có khoảng chín triệu người Afghanistan (trên tổng số 29 triệu dân) sống dưới mức chuẩn nghèo với thu nhập 1 USD/ngày. Xét theo chỉ số Phát triển Con người (HDI – chỉ số để xếp hạng các nước hằng năm do Văn phòng Báo cáo Phát triển con người của UNDP đưa ra dựa trên chỉ tiêu về y tế, giáo dục và thu nhập), Afghanistan đứng ở vị trí 169 trong tổng số 174 nước được xếp hạng. Gần 2/3 số người lớn ở Afghanistan bị mù chữ, tức là cao hơn khoảng 15% so với mức trung bình của các nước kém phát triển nhất. Afghanistan là nước duy nhất trên thế giới cấm trẻ em gái đi học.
Với lý do tiêu diệt các phần tử khủng bố, những chiến dịch của quân đội Mỹ vừa gây nên không ít tổn thất cho dân lành mà còn là nguyên cớ khiến xã hội Afghanistan ngày càng trở nên bất ổn bởi sự chia rẽ và thù hận. Quyết định phóng thích tù nhân của Tổng thống Karzai có thể hiểu đó là việc làm chẳng đừng, bởi không thể loại bỏ hoàn toàn lực lượng Taliban ra khỏi đời sống chính trị, đơn giản bởi họ cũng là những công dân của đất nước này. Nhưng đó rất có thể lại là điểm xuất phát của một sự rối loạn mới, bởi hòa giải giữa các bộ tộc, sắc tộc vẫn luôn là điều vô cùng xa xỉ ở đất nước Tây Nam Á này.
Nhưng có lẽ bi đát nhất là cho đến thời điểm hiện tại, sự phát triển của Afghanistan vẫn chỉ hoàn toàn dựa vào nguồn viện trợ từ bên ngoài. Liên hợp quốc đã viện trợ cho Afghanistan hơn 40 tỷ USD, chỉ tính riêng chính phủ Mỹ dưới thời Obama đã rót vào đây mỗi tháng khoảng 320 triệu USD.
Người trong cuộc đã vậy, tâm trạng của những người dính líu cũng chẳng hơn là bao. Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Obama đã lên lịch trình rút khỏi bãi lầy Afghanistan. Nhưng việc đã ném một đống tiền không nhỏ cộng với sinh mạng hàng trăm lính Mỹ đã thiệt mạng chẳng lẽ chính quyền Obama lại dễ dàng để vai trò đã xác lập được tại đây trôi theo sự triệt thoái của quân đội. Thực sự thì người Mỹ lại đang rơi vào thảm cảnh “bỏ đi mắc núi, trở về mắc sông” của Liên Xô trước đây. Hơn nữa, cứ cho là rồi đây hiệp ước an ninh được ký thì sự có mặt của vài ngàn lính Mỹ liệu có khả năng duy trì được những lợi ích trước tình hình ngày một khó kiểm soát.
Liên Hợp Quốc cũng đang rất bối rối trong cách thức tái thiết Afghanistan. Nguồn tài chính có thể sẽ vẫn có, thậm chí là dồi dào hơn, nhưng việc sử dụng và quản lý sao cho hiệu quả hơn giai đoạn trước đó, nhất là trong tình trạng có thể xấu đi sau khi quân đội Mỹ rút, vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Trâu chưa chết lắm kẻ cầm dao
Một nghịch lý là dù biết Afghanistan là nơi “vào thì dễ, ra thật khó” nhưng vẫn không ít kẻ muốn chiếm lĩnh địa bàn này. Một xã hội hết sức phức tạp về sắc tộc, tôn giáo; trình độ phát triển gần như thấp nhất thế giới; đã từng là tổng hành dinh của tổ chức khủng bố Al Qaeda; địa hình núi non hiểm trở cộng với một hệ thống giao thông hạ tầng yếu kém, thậm chí nhiều nơi ở mức sơ khai; khí hậu lục địa khắc nhiệt v.v. – đó là tất cả những trở ngại khiến cho Liên Xô trong giai đoạn 1979 – 1989 và nước Mỹ từ sau 2001 đến nay đều phải sa lầy nơi đây. Bất chấp những bài học lịch sử còn mới đó, không ít quốc gia đã nuôi tham vọng lấp vào khoảng trống do sự triệt thoái của quân đội Mỹ và đồng minh NATO tạo ra. Ấn Độ, Trung Quốc, Iran, Ả Rập Xê-út hiện đang là những nước đầu tư tích cực nhất vào Afghanistan. Đặc biệt, đến Indonesia cũng bắt đầu tỏ ra quan tâm đến lời mời thăm dò tiềm năng thương mại và đầu tư trực tiếp của Tổng thống Karzai.
Lý do chủ yếu của hiện tượng này có lẽ là vì vị trí địa – chính trị đắc địa của Afghanistan, và nó càng trở nên hấp dẫn hơn bởi chính sách gọi mời của chính phủ Hamid Karzai. Chiếm lĩnh được Afghanistan đồng nghĩa với khả năng có thể kiểm soát được những con đường từ châu Âu qua châu Á, từ Trung Đông qua Ấn Độ, từ Nga xuống Srilan-ka v.v. Ngoài ra cũng còn do chính sách “chia sẻ trách nhiệm của chính quyền Obama. Đơn cử như trong chuyến công du Ấn Độ năm ngoái (2013), ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định: “Mỹ mong muốn Ấn Độ giữ vai trò quan trọng trong việc gìn giữ ổn định tại Afghanistan”.
Tương lai ảm đạm
Năm 2014 rất có thể sẽ là một bước ngoặt trong lịch sử Afghanistan thời hậu Mỹ, bởi có quá nhiều những nguy cơ đang chờ đợi ở phía trước.
Trước hết, sự yếu kém trong công cuộc hòa giải và tái thiết đất nước của chính phủ Tổng thống Karzai cộng hưởng với sự dính líu của nhiều quốc gia rõ ràng càng khiến cho nguy cơ tình hình Afghanistan trở nên bất ổn hơn không còn xa vời nữa.
Sau cuộc chiến tranh năm 2001, mặc dù chính quyền Taliban đã bị lật đổ nhưng phong trào Hồi giáo Taliban vẫn tồn tại, chủ yếu là ở phía Nam và Tây Nam nước này. Sự phóng thích tù nhân Taliban chưa chắc đã góp phần hòa giải dân tộc, mà ngược lại, rất có thể lại giúp lực lượng này hồi sinh và một kịch bản tồi tệ hồi đầu những năm 1990 có nguy cơ tái hiện. Nỗi lo về khủng bố quốc tế chính là nguyên nhân quan trọng nhất giúp Mỹ và Nga luôn có đồng quan điểm trong vấn đề Afghanistan, cho dù quan hệ giữa hai nước hiện đang khá căng thẳng.
Sự bất ổn chính trị, lạm phát, thất nghiệp v.v. gia tăng rất có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài nản lòng. Trong khi đó, sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế không phải là vô hạn, thậm chí các nguồn viện trợ rất dễ bị một số nước lợi dụng như một công cụ để khống chế chính phủ Afghanistan.
Tựu chung, một thực tế chắc chắn là dù bất cứ nhân vật mới nào lên thay Tổng thống H. Karzai sau bầu cử thì cũng khó có thể mau chóng tháo gỡ được tình hình hết sức rối ren như hiện nay tại Afghanistan.
Tương lai không mấy lạc quan này rất có thể lại đẩy người dân Afghanistan quay trở về với nghề trồng cây Anh túc và sản xuất thuốc phiện, loại hàng hóa từng đã chiếm tới 1/3 GDP của nước này (Afghanistan đã từng là địa bàn sản xuất và buôn bán thuốc phiện lớn nhất thế giới). Đấy chính là nỗi ám ảnh lớn nhất mỗi khi gợi nhớ về đất nước nghèo khó này. Nếu vậy, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế là phải cùng với chính quyền và người dân Afghanistan đừng đề nỗi ám ảnh này trở thành hiện thực