Nhưng cũng chính bởi sự liên quan tới lợi ích của rất nhiều bên cũng như những mâu thuẫn tồn tại dai dẳng tại Trung Đông nên đã không biết bao lần hy vọng lại vẫn chỉ là hy vọng. Ngay như trong năm 2013 này, cộng đồng quốc tế cũng đã có không ít lần “mừng hụt” trước những biến cố của khu vực.
Cuộc hòa đàm hôm 29-7-2013 tại Washington giữa Bộ trưởng tư pháp Israel Tzipi Livni và nhà thương thuyết Palestin Saeb Erekat những tưởng đã mở ra một trang sử mới cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Bởi suốt ba năm qua, việc chính quyền Thủ tướng Netanyahu tiếp tục xây dựng trái phép các khu tái định cư tại khu vực Bờ Tây và Dải Gaza cùng với các vụ bắn rocket hay đánh bom cảm tử của lực lượng Hamaz, phần nào nữa là thái độ thiếu tích cực của chính quyền Obama đã khiến tiến trình này rơi vào tình trạng tê liệt.
Tuy nhiên, hy vọng này mau chóng bị dập tắt, vì kể từ sau cuộc hòa đàm, tiến trình hòa bình Trung Đông đã không có thêm bất cứ một bước tiến đáng kể nào. Có ý kiến cho rằng, vụ việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hôm 21-8-2013 đã khiến tiến trình này bị “tạm quên”. Nhưng nếu nhìn vào cách hành xử của Mỹ và Israel sau cuộc hòa đàm thì “câu chuyện vũ khí hóa học của Syria” rõ ràng chỉ là một lý do phụ. Thủ tướng Netanyahu thì tiếp tục cho triển khai các dự án xây dựng trên lãnh thổ Palestin. Ngoại trưởng John Kerry thì dành hết thời lượng cho vụ Syria và sau đó là Iran. Đột phá làm sao được khi một trong vấn đề cốt lõi nhất để thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông là công nhận nhà nước Palestin thì cả Mỹ và Israel thà bị tước quyền bỏ phiếu tại UNESCO (quyết định của UNESCO hôm 8-11-2013) còn hơn là chấp nhận điều hiển nhiên này. Giờ đây, người ta lại phải chờ đợi, có thể là rất lâu nữa, sẽ có một bước đột phá trong cuộc xung đột đã kéo dài hàng thập kỷ này.
Sau thỏa thuận có tính bước ngoặt giữa Nga và Mỹ về việc giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria hôm 9-10-2013, người ta lại tràn đầy hy vọng về tương lai của hội nghị quốc tế về hòa bình Syria (hội nghị Geneva II ). Cơ sở của niềm tin này được hình thành sau khi hai nhà tài trợ lớn nhất cho hai phe đối lập tại Syria là Nga và Mỹ có thể thỏa thuận được với nhau – điều chưa từng xảy ra suốt gần ba năm qua của cuộc nội chiến tại Syria. Nhưng một lần nữa những bất đồng trong cách nhìn nhận thực tế đất nước của chính phủ Syria và phe nổi dậy lại đẩy con tàu nội chiến trở lại đường ray cũ.
Vụ giải quyết kho vũ khí hóa học dường như chẳng có tác động mấy tới tư tưởng “đấu súng” của phe nổi dậy. Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) đối lập kiên quyết phản đối sự tham gia hội nghị hay bất cứ đề xuất nào của cá nhân Tổng thống Bashar al-Assad. Thậm chí, họ còn yêu cầu Liên đoàn Ả rập (LA) phải cách chức đặc phái viên Lakhda Brahimi vì ông này ủng hộ phương án mời Iran tham gia hội nghị của Tổng thống Assad. Về phần mình, chính phủ Syria tuy khẳng định sẽ tham gia hội nghị Geneva II mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào nhưng lại nhấn mạnh “không đàm phán với các phần tử khủng bố”, mà không ít lực lượng của phe nổi dậy bị liệt vào danh sách này.
Ngoài ra, sự phản đối quyết liệt hội nghị Geneva II của 19 nhóm nổi dậy tại Syria cũng góp phần đáng kể khiến những nỗ lực hòa giải trở nên xa vời. Trong khi đó, các nước lớn, trước hết là Nga và Mỹ, dường như còn đang tận hưởng âm vị của thành công tháo gỡ ngòi nổ một cuộc tấn công quân sự trừng phạt Syria hoặc do sự cuốn hút của một vấn đề mới hứng thú hơn – cuộc đàm phán P5+1 và Iran, nên hầu như “quên” không chuẩn bị các bước đi tiếp theo nhằm đối phó với màn tranh cãi về Geneva II của hai phe đối lập tại Syria. Thực tế ba năm qua đã chỉ rõ, việc giải giáp kho vũ khí hóa học vừa qua chỉ là một lát cắt của tiến trình khủng hoảng Syria, có lẽ chưa đủ xung lực tạo ra bước ngặt cho việc kết thúc cuộc nội chiến.
Có lẽ chính những nỗi thất vọng trên khiến cho thỏa thuận vừa đạt được giữa nhóm P5+1 (5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và Đức) và Iran tại Geneva hôm 24-11-2013 bỗng mang một tầm vóc mới – “bản thỏa thuận lịch sử”. Tuy chỉ là một thỏa thuận ngắn hạn với những điều khoản cũng chỉ mang tính tạm thời nhưng được tất cả các bên ký kết đánh giá rất cao, thậm chí, ngay sau đó, Tổng thống Obama còn phát biểu “dù chỉ là bước đầu, đây là một thỏa thuận vĩ đại”. Kỳ vọng về một bước ngoặt tại Trung Đông lại lóe lên, bởi suốt ba thập kỷ qua bất đồng giữa hai bên chưa lúc nào tìm được cách hóa giải, thỏa thuận này là một kết quả có tính đột biến trong vấn đề Iran. Quan trọng nhất là, thỏa thuận này đã phần nào hạn chế được tính phiến diện cố hữu do được các bên đàm phán đặt trong bức tranh tổng thể của khu vực.
Tất nhiên, vẫn còn đó không ít nghi ngại xung quanh “tầm vóc” đích thực của thỏa thuận khi vẫn còn đó không ít câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng.
Trước hết, chính sự thay đổi quá nhanh của vụ việc khiến người ta nghi ngờ về độ bền vững của thảo thuận. Chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng, kể từ khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani chính thức cầm quyền, đã diễn ra tới ba cuộc đàm phán xung quanh chương trình hạt nhân của nước này. Sự mong manh của đột biến trong vấn đề hạt nhân Iran vì nó đến chủ yếu từ sự thay đổi lãnh đạo của đất nước này. Cho dù Tổng thống Rouhani luôn muốn chứng tỏ lập trường ôn hòa (từ cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Obama tới bài phát biểu đầy tính xây dựng và cũng có tính mở đường dẫn đến thỏa thuận trên v.v.) thì cũng không thể ngay lập tức tạo dựng được niềm tin từ các nước phương Tây hay áp chế được những phản ứng của phe đối lập ngay trong nội bộ đất nước.
Thứ hai, những nội dung trong thỏa thuận hoàn toàn có tính tạm thời, vẫn còn không ít kẽ hở cho bất cứ bên nào muốn lợi dụng. Đơn cử như ở hai vòng đàm phán trước, chính phủ Iran vẫn kiên quyết đòi các nước P5+1 phải công nhận quyền được làm giàu Uranium. Thỏa thuận quy định Iran chỉ được làm giàu Uranium dưới 5%, liệu đây có là điều mà Iran sẽ suy luận là đã được phép vấn đề ngăn cấm chỉ là giới hạn làm giàu mà thôi. Phía P5+1 vẫn giữ nguyên các lệnh trừng phạt hiện hành của HĐBA, và bảo lưu khả năng gia tăng trừng phạt nếu Iran không tuân thủ thỏa thuận v.v. Đời sống quốc tế đã chứng minh, khi người ta không muốn tuân thủ thì mọi điều khoản pháp lý đều có thể tìm cách lách được.
Thứ ba, thỏa thuận này càng được đánh giá cao bao nhiêu thì lại càng khiến cho khả năng dẫn đến sự xáo trộn trong khu vực lớn bấy nhiêu. Đơn giản là vì không phải tất cả đều hài lòng với sự thay đổi trong quan hệ giữa Iran với phương Tây. Trước khi diễn ra vòng đàm phán thứ ba này, đại sứ quán của Iran tại Li-băng (Lebanon) đã bị nhóm Al-Nasura – một nhánh của Al Qaeda đánh bom. Ngay sau lễ ký kết, chính phủ Israel và Ả Rập Xê-út đều bày tỏ sự nghi ngờ tính hiệu quả của thỏa thuận. Đặc biệt, nếu những xáo trộn trong khu vực làm tổn thương lợi ích của các nước lớn, thì chính họ lại sẽ tìm cách điều chỉnh những nội dung đàm phán tiếp theo với Iran.
Trên hết, thỏa thuận này càng làm sáng tỏ một điều, quốc gia nào cậy nhờ các cường quốc hạt nhân trong công nghệ hạt nhân dân sự (không phải quân sự) sẽ mau chóng được công nhận. Danh mục hơn 40 quốc gia đang có những thỏa thuận về hạt nhân dân sự “nhờ sự giúp đỡ của các cường quốc hạt nhân” là một minh chứng cho điều này. Một kiểu độc quyền kinh doanh sẽ khó được chấp nhận trong thời đại toàn cầu hóa, vì thế thỏa thuận này chưa phải là một lối thoát hoàn mỹ trong vấn đề năng lượng hạt nhân.
Tuy vẫn còn nhiều e dè như trên, nhưng người viết vẫn có một niềm tin rằng thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran vừa đạt được rất có thể sẽ là một bước ngoặt đối với bầu không khí lúc nào cũng nóng bỏng của mảnh đất Trung Đông. Bởi chính những nỗi thất vọng triền miên về các giải pháp đã được tiến hành tại Trung Đông cùng với chính những nghi ngại trên đã chỉ ra rằng, khác với những thỏa thuận trước đó, thỏa thuận giữa Iran và P5+1 lần này ít nhiều có tính tổng thể hơn hẳn. Thỏa thuận sẽ đụng chạm tới rất nhiều bên tại Trung Đông trong thời gian tới. Nhưng cũng cần nhấn mạnh, để thỏa thuận thực sự trở thành một bước ngoặt theo chiều hướng tích cực, phía trước vẫn cần rất nhiều nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế.