Kỳ hè không yên ả với G7

|

NDO - NDĐT- Vẫn biết G7 ra đời (năm 1975) là nhằm mục đích đối phó với các cuộc khủng hoảng nhưng có lẽ chưa bao giờ các nước thành viên của cơ chế này lại phải đối mặt với những thách thức lớn đến vậy như ở thời điểm hiện tại.

Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Trong hai ngày từ 4 đến 5-6-2014, tại Brussels (Bỉ), ngoài những vấn đề nan giải trong nước như khủng hoảng nợ công, tình trạng giảm phát, tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức nguy hiểm v.v., các nhà lãnh đạo của bảy nước công nghiệp phát triển còn phải đưa ra những quyết định liên quan tới hai cường quốc mới nổi là Nga và Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên sau 17 năm, G7 nhóm họp mà không có sự tham gia của Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3.

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của cơ chế G7 thì cuộc khủng hoảng tại Ucraina cũng như tình hình bất ổn trên Biển Đông và Biển Hoa Đông thực sự là những thách thức hết sức nghiêm trọng đối với G7.

Năm 1975, ba trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới tư bản chủ nghĩa là Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản đã quyết định thành lập một cơ chế tham vấn cấp cao với tên gọi G7 (group 7, lúc đầu bao gồm Anh, Pháp, Tây Đức, Italia, Mỹ và Nhật Bản, tới năm 1976 có thêm Canada). Ban đầu, G7 chỉ tập trung tìm các giải pháp nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính (năm 1972, hệ thống thanh toán quốc tế Bretton Wood sụp đổ do đồng đô la Mỹ mất giá), khủng hoảng dầu lửa và đặc biệt là khủng hoảng cơ cấu.

Trên thực tế, từ khi được thành lập, cơ chế G7 đã giúp điều hòa mâu thuẫn giữa ba trung tâm kinh tế bắt đầu cạnh tranh nhau găy gắt do sự lớn mạnh của Tây Âu và Nhật Bản. Chính đi???u đó đã giúp cho các nước tư bản phát triển nhất này tránh được sự đối đầu, đi???u đã từng xảy ra vào nửa đầu thế kỷ 20 với kết quả là hai cuộc chiến tranh thế giới vô cùng tàn khốc. Từ cuối thập kỷ 80 (thế kỷ 20), G7 bắt đầu bàn đến các vấn đề an ninh, chính trị, trước hết là trong khuôn khổ quan hệ Đông - Tây. Ngày nay, G7 trở thành cơ chế phối hợp hành động của các nước công nghiệp phát triển trong hầu hết các vấn đề của đời sống quốc tế.

Mặt khác, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, G7 cũng còn có vai trò trong việc phối hợp hành động giữa Mỹ và các đồng minh nhằm chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa nhưng là lúc khối Đông Âu bắt đầu suy yếu và dần đi đến tan rã. Kết quả là các nước thành viên G7 đã duy trì được lợi thế trong trật tự thế giới thời hậu Chiến tranh lạnh.

Trong vòng hơn 20 năm qua kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, hiếm khi các nước phương Tây lại phải cùng một lúc đưa ra những tuyên bố hướng tới cả Nga và Trung Quốc. Ngày 5-6-2014, trong Tuyên bố (gồm 43 điểm) kết thúc hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, liên quan tới Nga, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh “sẽ xem xét khả năng áp dụng thêm những biện pháp trừng phạt mới với Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin không hợp tác để ngăn chặn bạo lực ở Ucraina”. Liên quan tới những tranh chấp đang diễn ra trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, các lãnh đạo G7 tái khẳng định lập trường "chống lại bất kỳ hành động đơn phương của bất cứ bên nào nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ hoặc chủ quyền trên biển bằng biện pháp hăm dọa, gây hấn hoặc vũ lực". Tuyên bố này phản ánh nỗi quan ngại thực sự của G7.

Phản ứng này có thể do G7 lo ngại những hành động của Nga và Trung Quốc không chỉ đe dọa đến ổn định của khu vực, phá vỡ nguyên trạng mà còn tiến tới làm thay đổi trật tự đang bảo vệ những lợi ích của họ. Tuyên bố ngay sau hội nghị của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabiuos và Tổng thống Mỹ Barack Obama "hiện chưa phải thời điểm thích hợp để xem xét việc kết nạp Ucraina vào EU hay NATO" là minh chứng rõ ràng cho ý đồ "giữ nguyên trạng" của G7. Hơn thế, sự lo lắng của G7 còn liên quan tới việc Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau hơn, nhất là sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Putin (ngày 20 và 21-5-2014). Bởi lẽ, gắn kết Nga - Trung được nhiều người xem như là yếu tố làm giảm tính răn đe của các biện pháp trừng phạt Nga của EU và Mỹ, đồng thời khiến cho sự căng thẳng hiện tại trên Biển Đông và Biển Hoa Đông có cơ hội leo thang.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, việc phải cùng lúc đối phó với sự "trỗi dậy" của hai cường quốc lớn nhất về diện tích và đông nhất về dân số cùng nhiều thế mạnh khác rõ ràng là khó khăn hơn rất nhiều, chí ít là trong so sánh với Liên Xô thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, cách thức của G7 thì lại chẳng khác là bao dù thời gian trôi qua đủ lâu để phải thay ??ổi.

Năm 1997, G7 đã chuyển thành G8 sau khi có sự tham gia của Nga. Đây là giải pháp hoàn toàn hợp lý trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, bởi các thành viên G7 khó có thể tự giải quyết nhiều vấn đề mà không có sự tham vấn và phối hợp với Nga. Thế nhưng, để phản đối quyết định sát nhập Crimea của Nga (ngày18-3-2014), EU và Mỹ lại quay trở lại giải pháp quen thuộc là trừng phạt và tìm cách cô lập Nga. Các biện pháp phong tỏa tài khoản và hạn chế đi lại của một số quan chức Nga bị chính giới chức G7 đánh giá là chỉ có tính "giơ cao đánh khẽ". Còn việc loại Nga ra khỏi G8 đã khiến cho G7 gặp khó trước tiên, vì cơ hội đối thoại giữa hai bên bị giảm thiểu. Việc các nhà lãnh đạo G7 phải tranh thủ lễ kỷ niệm 70 năm Ngày quân đội Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy ở Pháp (6-6-1944 - 6-6-2014) để trao đổi với Tổng thống Putin cho thấy tính bất cập của quyết định loại Nga ra khỏi cơ chế G7.

Cách cư xử với Trung Quốc lại càng cho thấy sự lúng túng của G7. Mặc dù trong Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh G7, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo G7 đề cập tới tình hình bất ổn trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời cũng thể hiện lập trường cứng rắn về việc phải giữ nguyên trạng tại đây và yêu cầu các bên phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cũng như phải tôn trọng luật quốc tế. Thậm chí, dù có Nhật Bản là một thành viên của G7 nhưng bản tuyên bố cũng không chỉ rõ đối tượng nào đang đe dọa phá vỡ nguyên trạng. Rõ ràng, việc phải cân đối giữa lợi ích trong quan hệ với các bên liên quan trong khu vực, trước hết là trong các quan hệ với Nhật Bản và với Trung Quốc, đã khiến các nhà lãnh đạo G7 tại hội nghị thượng đỉnh lần này, dù ngôn từ có thể cứng rắn hơn nhưng xét cho cùng đấy vẫn chỉ là những tuyên bố rất chung chung. Nếu tình hình căng thẳng tại châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục leo thang thì không hiểu G7 sẽ ứng phó ra sao khi chỉ có các kênh đối thoại song phương với Trung Quốc.

Không thể phủ nhận G7 vẫn đang có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế nhưng không phải vì thế mà các nhà lãnh đạo G7 có thể tiếp tục tự cho mình quyền quyết định tất cả. Tại sao G7 không tận dụng cơ chế G20 hoặc mở rộng hơn nữa sự tham gia của nhiều quốc gia, nhất là các nước nhỏ. Bởi lẽ, hiện nay nếu thiếu sự tham gia của tất cả các nước liên quan thì một mình G7 khó có thể tìm ra những giải pháp hiệu quả cho hầu hết các vấn đề quốc tế, đơn cử như cho hai vấn đề vừa phân tích ở trên.