Ngăn chặn cực đoan hóa trên mạng

|

Các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật thuộc liên minh tình báo quốc tế Five Eyes (gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand) lần đầu công bố báo cáo chung cảnh báo xu hướng thanh thiếu niên trên toàn thế giới đang bị lôi kéo vào con đường bạo lực.

Ông Mike Burgess, Giám đốc Tổ chức An ninh và Tình báo Australia (ASIO), một thành viên của liên minh Five Eyes cho biết, số lượng thanh thiếu niên Australia bị cực đoan hóa trên internet đang ở mức đáng lo ngại. Cụ thể, một số thanh thiếu niên Australia đã kích động xung đột sắc tộc và lên kế hoạch tấn công trường học sau khi bị cực đoan hóa trên mạng. Hồi tháng 4, một cậu bé 16 tuổi đã bị buộc tội tấn công khủng bố sau khi đánh đập một linh mục ở Sydney trong một buổi lễ nhà thờ được phát trực tuyến.

Tại Anh, cảnh sát chống khủng bố đã điều tra một học sinh và tìm thấy các nội dung ủng hộ tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) trong điện thoại của học sinh này.

Giám đốc ASIO cho biết, mọi vụ tấn công khủng bố, phá hoại và nghi án liên quan khủng bố tại Australia trong năm 2024 đều do thanh thiếu niên thực hiện. Cứ năm vụ án chống khủng bố do ASIO tiến hành lại có một vụ liên quan những người trẻ. Các phần tử cực đoan đang lợi dụng những nền tảng mạng xã hội và trò chơi trực tuyến tưởng chừng vô hại như Roblox, Discord, Telegram, TikTok để tiếp cận thanh thiếu niên, sau đó dẫn dụ các em vào con đường bạo lực.

Báo cáo của liên minh Five Eyes cho thấy, thanh thiếu niên rất dễ bị cực đoan hóa trên mạng, nhất là những em sống trong tình trạng cô lập với xã hội, khi thế giới trực tuyến có thể trở thành cộng đồng duy nhất của các em. Tuy nhiên, các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới đang gặp khó khăn trong việc đối phó tình trạng cực đoan hóa trên mạng bởi môi trường trực tuyến thường tạo ra sự ẩn danh cho người dùng, và việc tiếp cận trẻ vị thành niên phức tạp hơn nhiều so với người trưởng thành. Kết quả là, bốn quốc gia khác thuộc liên minh tình báo Five Eyes đều có những câu chuyện tương tự Australia.

Sự lan rộng của hiện tượng cực đoan hóa này khiến việc giải quyết trở nên rất khó khăn, và các cơ quan thực thi pháp luật thuộc liên minh Five Eyes đã kêu gọi một cách tiếp cận toàn diện từ toàn xã hội. Ông Burgess cho rằng, cha mẹ học sinh, giáo viên, các chuyên gia y tế và những người làm việc ở tuyến đầu cần hiểu và nhận biết sớm các dấu hiệu của sự cực đoan hóa ở những người trẻ. Khi ASIO và Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) phải can thiệp thì mọi việc thường quá muộn, tâm trí của những người trẻ đã hằn sâu những suy nghĩ lệch lạc và cực đoan. Các chương trình can thiệp sớm hoặc các dịch vụ hỗ trợ như cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần có thể giúp ích, nhưng cảnh sát Australia cũng đang nỗ lực hạn chế quyền truy cập vào các nội dung bạo lực, cực đoan, đồng thời thúc đẩy giáo dục và nâng cao nhận thức để cải thiện khả năng phòng ngừa ở thanh thiếu niên.

Cuối tháng 11 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đã trình Quốc hội dự luật bắt buộc độ tuổi tối thiểu được truy cập các nền tảng mạng xã hội là đủ 16 tuổi. Theo dự luật này, các nền tảng mạng xã hội như Snapchat, TikTok, Instagram, và X buộc phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn người chưa đủ 16 tuổi tạo tài khoản. Các công ty có trách nhiệm thực thi luật này, nếu vi phạm có hệ thống, có thể bị phạt tới 49,5 triệu USD.

Thủ tướng Albanese cho biết, nếu dự luật được thông qua thì Australia sẽ là một trong những nước đầu tiên thực thi biện pháp áp đặt độ tuổi tối thiểu được tạo tài khoản mạng xã hội, và dự luật sẽ là bước tiến tạo không gian số an toàn hơn với giới trẻ.