Hoạt động bóng đá chỉ dừng lại trong trường hợp bất khả kháng
Trước những diễn biến mới về dịch Covid-19 tại Đà Nẵng và một số địa phương, VFF và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã phải đưa tới quyết định tạm hoãn giải V-League 2020 và giải Hạng nhất. Nhiều câu hỏi được đặt ra là các giải chuyên nghiệp sẽ chỉ tạm dừng hay kết thúc sớm và trao giải luôn cho các đội đạt thứ hạng như đề xuất của một số CLB.
Về vấn đề này, Ủy viên thường trực Ban Chấp hành VFF, Chủ tịch HĐQT VPF - ông Trần Anh Tú cho biết: “Thực tế cho đến thời điểm hiện tại đã có bốn CLB đề nghị nên kết thúc giải, trao cúp vô địch cho đội đang dẫn đầu BXH là Sài Gòn và không có đội xuống hạng. Tuy nhiên, Thường trực BCH VFF đã xác định sẽ nỗ lực tối đa để các giải đấu vẫn được tiến hành trong điều kiện cho phép.
Các hoạt động bóng đá chỉ dừng lại trong trường hợp bất khả kháng hoặc không được sự chấp thuận của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền. Giải đấu có thể kết thúc trước ngày 31-10 là tốt nhất. Còn trong trường hợp dịch kéo dài, VFF và công ty VPF sẽ có phương án để điều chỉnh. Ngoài ra, AFF Suzuki Cup 2020 có khả năng lùi sang năm sau nên chúng ta cũng sẽ có thuận lợi hơn về quỹ thời gian dành cho các giải đấu trong nước”.
Ông Trần Anh Tú cũng chia sẻ thêm: “Hiện tại, nguồn thu chính của bóng đá Việt Nam vẫn là nguồn thu từ tài trợ. Về nguyên tắc, chúng ta phải thực hiện đúng hợp đồng và bảo đảm các quyền lợi của nhà tài trợ. Do vậy, nếu giải đấu không được tổ chức mà không vì lý do bất khả kháng thì việc phá vỡ hợp đồng sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy.
Không chỉ thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của đơn vị quản lý, tổ chức và điều hành giải, của các CLB. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự đồng cảm và chung tay trách nhiệm, cùng nhau xây dựng những giải pháp tích cực cho hoạt động của bóng đá Việt Nam”.
Giải pháp đối với công tác trọng tài để đáp ứng tốt nhiệm vụ
Ở trận TP Hồ Chí Minh gặp Hà Nội FC tại vòng 11 V-League tối 24-7, các cầu thủ áo đỏ đã phản ứng gay gắt khi trọng tài từ chối thổi phạt đền, sau hai tình huống bóng chạm tay cầu thủ Hà Nội trong vòng cấm. Các sai sót này tác động không nhỏ đến kết quả trận đấu, truyền thông đã phản ánh về sự bất bình trên sân Thống Nhất.
Lý giải về vấn đề này, Trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền cho biết: “Lịch thi đấu sau dịch Covid-19 diễn ra với mật độ dày đặc nên Ban trọng tài đã phải huy động tối đa số lượng trọng tài để điều hành các trận đấu. Tuy nhiên, lực lượng trọng tài hiện nay rất mỏng do một số trọng tài không vượt qua được đợt sát hạch về thể lực đầu mùa giải, một số khác vẫn còn non kinh nghiệm, dễ dẫn đến xảy ra những sai sót. Từ đầu giải đến nay, Ban trọng tài luôn bám sát và xử lý nghiêm đối với các trọng tài mắc sai sót gây ảnh hưởng đến kết quả trận đấu”.
Ông Dương Văn Hiền cũng cho biết, việc phân công trọng tài làm nhiệm vụ tại các trận đấu là hoàn toàn minh bạch và đều nhận được sự thống nhất của các thành viên trong Ban trọng tài, thông qua ý kiến phản biện của Ban Tổng thư ký VFF trước khi ban hành. Tuy vậy, trong thời gian tới, việc phân công trọng tài sẽ tiếp tục có những điều chỉnh để bảo đảm quy trình chặt chẽ hơn cũng như bảo đảm bổ nhiệm trọng tài đúng năng lực và phù hợp với tính chất trận đấu.
Đối với giải pháp nâng cao chất lượng cho trọng tài bóng đá quốc gia, ông Dương Văn Hiền cho biết, Ban trọng tài đã xây dựng giải pháp đầu tư một cách căn cơ để đào tạo lực lượng trọng tài kế cận tăng cả về số lượng và chất lượng. Các giải pháp đối với công tác trọng tài đều sẽ được VFF ủng hộ và tạo điều kiện cả về tài chính, trang thiết bị và cơ sở vật chất.
Tổng thư ký Lê Hoài Anh khẳng định, VFF hoàn toàn ủng hộ các kế hoạch phát triển trọng tài của Ban trọng tài, đồng thời sẽ tạo cơ hội để các trọng tài được tham gia nhiều trận đấu theo các cấp độ phát triển, hướng tới các giải chuyên nghiệp quốc gia.
- V-League 2020 chính thức hoãn giải lần hai
- Giải pháp nào cho V.League 2020?
- Báo quốc tế ấn tượng với sự trở lại của V.League 2020
- Nhiều CLB đề xuất kết thúc V-League 2020