Người đưa giáo dục huyện vùng sâu Hồng Dân vượt khó đi lên

|

NDO - NDĐT - Thầy giáo Nguyễn Thành Sơn sinh ra và lớn lên nơi có cánh đồng “Chó Ngáp”, vùng quê cách mạng kiên cường, đồng thời cũng là mảnh đất nghèo khó nhất tỉnh Bạc Liêu. Suốt gần 40 năm gắn bó với nghề, 15 năm liền làm Trưởng phòng GD-ĐT huyện, thầy Sơn luôn tâm huyết, nhiệt tình, hết mình vì sự nghiệp “trồng người”, góp phần quan trọng đưa giáo dục huyện vùng sâu Hồng Dân vượt khó đi lên.

Luôn “lăn lộn” với phong trào

Đến Hồng Dân nhiều lần, trò chuyện với nhiều cán bộ lãnh đạo huyện, các xã, nhất là gặp gỡ nhiều cán bộ, giáo viên của huyện, tôi được nghe không ít người ngợi khen, ghi nhận bước phát triển vượt bậc của sự nghiệp GD-ĐT huyện so với khi mới chia tách huyện (năm 2000). Bởi, thực tế ai cũng biết, Hồng Dân là huyện vùng sâu nhất Bạc Liêu; đồng thời là huyện có nhiều đồng bào Khmer, hạ tầng khó khăn nhất tỉnh.

Song, điều đáng trân trọng là, nhiều năm qua, phong trào giáo dục ở đây có những bước phát triển rất đáng mừng. Trong đó, phong trào khuyến học, khuyến tài nhiều năm liền được công nhận “lá cờ đầu” của tỉnh. Có được kết quả này, nhiều cán bộ, giáo viên trong huyện ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của thầy giáo Nguyễn Thành Sơn, người suốt gần 40 năm tâm huyết, “lăn lộn” gắn bó với ngành và hơn 15 năm làm Trưởng phòng GD-ĐT huyện.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Sơn cho biết: Sau nhiều năm quyết tâm cao độ, đến nay huyện vùng sâu Hồng Dân đã có 20/42 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Nhiều năm qua, Chi bộ, Ban lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học.

Theo đó, kiên trì, nỗ lực chỉ đạo các trường đổi mới đồng bộ phương pháp dạy và học; đồng thời tăng cường kiểm tra, đánh giá; chú trọng việc tiếp cận giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số… Nhờ vậy, giáo dục của huyện, nhất là phong trào khuyến học, khuyến tài hoạt động rất hiệu quả, được Sở GD-ĐT và Bộ GD-ĐT đánh giá cao, khen ngợi, nhiều năm được công nhận dẫn đầu tỉnh.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, nét mới nổi bật của ngành GD-ĐT Hồng Dân từ năm học 2008 - 2009 đến nay, là việc mạnh dạn và kiên quyết "sàng lọc" không để những giáo viên không đạt chuẩn, yếu kém về chuyên môn đứng lớp. Phòng GD-ĐT huyện đã thực hiện việc động viên những giáo viên tuổi cao, trình độ chuyên môn hạn chế nghỉ hưởng chế độ trước tuổi. Đối với những giáo viên còn trẻ nhưng trình độ chuyên môn yếu, không đạt chuẩn, được bố trí không cho đứng lớp, làm các công việc khác hoặc tinh giản biên chế theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Theo nhiều cán bộ, giáo viên và người dân trong huyện, đây là "biện pháp mạnh", mặc dù có "đau" đối với một số giáo viên, nhưng cái được lớn là đã và đang góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Ngoài ra, việc làm trên còn làm cho nhiều cán bộ, giáo viên loại bỏ tư tưởng "đã vào biên chế rồi thì an tâm, không cần học tập, trau dồi nghiệp vụ làm gì cho mệt...". Cũng nhờ kiên quyết thực hiện việc "sàng lọc" này, mấy năm qua huyện Hồng Dân có gần 200 giáo viên ra trường được đào tạo chính quy, có trình độ cao, tâm huyết với nghề được tuyển chọn, thay cho những giáo viên không đạt chuẩn. Đó cũng là một trong những biện pháp làm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong huyện khắc phục "căn bệnh" chủ quan, thỏa mãn với kiến thức của mình, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn...

Để đạt kết quả bước đầu đáng ghi nhận trên, phải kể đến tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt của đồng chí Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hồng Dân Nguyễn Thành Sơn. Bởi, khi bắt tay vào thực hiện Đề án 826 của UBND tỉnh Bạc Liêu, không ít người trong huyện, trong đó có cả cán bộ, giáo viên phản ứng khá gay gắt Trưởng phòng GD-ĐT huyện. Nhưng, sau hơn ba năm thực hiện, đến nay nhiều người mới hiểu rõ, thông cảm và ủng hộ việc làm của lãnh đạo Phong giáo dục huyện, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Thành Sơn… Và cho rằng, nếu người đứng đầu ngành giao dục huyện không trách nhiệm cao, nể nang, xuê xoa thì không thể nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên được như hôm nay.

Bên cạnh những kết quả nêu trên trên, qua tìm hiểu tình hình, được biết, GD-ĐT Hồng Dân hiện còn không ít khó khăn, hạn chế. Bởi, Hồng Dân là một huyện vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc Khmer, điều kiện kinh tế - xã hội còn thấp, hầu hết các xã trong huyện hiện vẫn trong diện nghèo, nên chưa quan tâm việc học tập của con em; nhiều em phải bỏ học theo cha mẹ đi làm ăn xa. Tỷ lệ học sinh yếu kém còn cao. Cơ sở vật chất mấy năm gần đây tuy được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo hướng hiện đại...

Làm theo tấm gương Bác Hồ

Để có được thành tựu nêu trên, theo chúng tôi, không phải việc dễ dàng. Đó là sự nỗ lực, công sức và mồ hôi của tập thể cán bộ, giáo viên trong toàn huyện, trong đó có sự đóng góp quan trọng của anh Nguyễn Thành Sơn, người “cầm lái con thuyền” giáo dục- đào tạo của địa phương.

Là người lãnh đạo, anh đã cùng tập thể cán bộ phòng GD - ĐT phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, chỉ thị của Đảng và của ngành GD-ĐT. Quan tâm hàng đầu của anh là chăm lo công tác bồi dưỡng trình độ chuyên môn, chính trị, kỹ năng cán bộ, giáo viên. Anh luôn tâm niệm: “Có thầy giỏi mới có trò giỏi”, “Người thầy tốt mới dạy trò ngoan”…

Mấy năm qua, ngành GD-ĐT huyện Hồng Dân là đơn vị đã thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm rất cụ thế, mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể là cuộc vận động: “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “ Xanh - Sạch - Đẹp để xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “giúp đỡ học sinh yếu kém”…

Đặc biệt, anh Nguyễn Thành Sơn đã chỉ đạo toàn ngành giáo dục huyện thực hiện các phong trào “Nhà giáo Hồng Dân đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh yếu kém. Nâng cao tinh thần trách nhiệm vì học sinh thân yêu…”. Phát động sâu rộng cán bộ, giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm; làm đồ dùng dạy học, báo cáo chuyên đề. Từ năm học 2011-2012 đến nay, phong trào nhận đỡ đầu, giúp học sinh yếu kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được các trường, từng cán bộ, giáo viên xem là phần việc trọng tâm trong kế hoạch thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ. Kết quả, toàn huyện có gần 2.000 học sinh nghèo được cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu…

Trò chuyện với PV Báo Nhân Dân, đồng chí Võ Văn Út, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân nhận xét: “Phải thừa nhận, khi mới chia tách huyện (năm 2000), phong trào giáo dục ở Hồng Dân rất yếu kém, là “vùng trũng” nhất tỉnh. Với vai trò, trách nhiệm là Trưởng phòng GD-ĐT huyện, liên tục 15 năm qua, đồng chí Nguyễn Thành Sơn có rất nhiều cố gắng, trách nhiệm cao với công việc. Đáng ghi nhận, phong trào giáo dục huyện những năm qua đi lên ở các mặt: Chất lượng dạy và học; sở sở vật chất được xây dựng ngày một tiến bộ, phát triển. Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục huyện nhiều năm qua nhìn chung đoàn kết; các phong trào phát triển tốt… Có được thành tựu đó, phải kể đến sự nỗ lực, đóng góp không nhỏ của đồng chí Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng phòng Giáo dục huyện…”

Thầy giáo Phạm Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Ninh Quới (Hồng Dân) chia sẻ: “Anh Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Giáo dục huyện là người có cá tính khá bộc trực, nói thẳng, làm ngay, nhưng cũng rất tình cảm, thương yêu cán bộ, giáo viên, nhất là những cán bộ, giáo viên ở xa quê hương như chúng tôi, chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh, tình nguyện “trụ” lại huyện vùng sâu này để dạy cái chữ cho con em địa phương. Nhờ vậy, đã góp phần động viên chúng tôi vượt qua khó khăn, vất vả…”

Có thể nói, hình ảnh thầy giáo Nguyễn Thành Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng GD-ĐT huyện luôn tâm huyết, bộc trực, nói đi đôi với làm, luôn sâu sát cơ sở, thường xuyên đến các trường học, nhất là các ấp, xã vùng sâu, vùng dân tộc Khmer để kiểm tra, chỉ đạo phong trào dạy và học đã tạo dựng được hình ảnh, tình cảm đáng quý trong cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân huyện vùng sâu Hồng Dân, được nhiều người khen ngợi, quý mến.

Trang Chủ blackjack uy tín