Nốt trầm giữa thinh không đại ngàn

|

“Hồi chồng ăn lá ngón chết, buồn nhiều không?”, “Không, buồn gì. Nó ác lắm”, vừa trả lời, ánh mắt Đinh Thị Đấy ráo hoảnh, đầy ai oán nhìn xa xăm ngọn núi trước nhà…

“Lá ngón??? ở lại

Giữa cái nắng gắt tháng 8, sáu người đàn bà ngồi tụm lại rì rầm, chốc chốc lại cười lớn. Hũ nhựa đựng vôi chuyền tay từ người này sang người kia. Miếng trầu được rắc thêm vôi trắng, miệng ai cũng nhai bỏm bẻm.

Thấy người lạ nhìn người đàn bà trong góc hè, với tay lấy chai nhựa đựng vôi từ bạn, Lon nói: “Nó là Hơn, 38 tuổi đó. Từ khi chồng mất, nó trẻ ra đấy”. Đinh Thị Hơn rụt rè, cười gượng. Nước da sạm đen, nét mặt khắc khổ, trông Hơn như đàn bà năm mươi. Lấy chồng lúc 19 tuổi, vợ chồng Hơn ở trong xó núi làm rẫy. Ba đứa con lần lượt ra đời cùng cái nghèo túng quẫn. Năm 2013, cả làng dời vào khu tái định cư mới, nhường đất cho Nhà máy thủy điện Đăk Đring. Căn nhà trong khu tái định cư Đắk Lang (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, Quảng Ng??i) cùng vài trăm triệu đồng tiền đền bù của dự án, những tưởng giúp cuộc sống “sang trang mới”. Thế nhưng, công cuộc đổi đời của Hơn là chuỗi ng??y bi ai, cùng khổ. Có tiền đền bù, Đinh Văn Lôn - chồng Hơn, say xỉn ngày đêm, mặc cho vợ và đàn con nheo nhóc.

Sau những cuộc rượu, chồng Hơn mang về cơn ghen tuông cùng những trận đòn không nương tay với vợ. Sống trong lo sợ bạo lực của chồng, Hơn cầu cứu thôn, xã. Lần cuối xã gởi thư mời, Lôn ra đi cùng lá ngón. “Nó sợ không lên xã. Chiều hôm đó, có người phát hiện nó nằm trên dốc núi gần nhà. Đưa đi bệnh viện nhưng không cứu được. Sau khi uống rượu, nó ăn lá ngón chết”, Hơn hồi tưởng.

Lá ngón mang chồng Hơn đi, mang luôn cả xác nhận về căn nhà tái định cư. Tất cả giấy tờ nhà, xe cùng sổ tiết kiệm hơn hai trăm triệu đồng đi theo Lôn. Những ngày trước khi tự tử, Lôn đã hủy tất cả những gì còn lại trong căn nhà. “Mình không có giấy tờ gì cả, cũng không có đăng ký kết hôn. Lúc nhận tiền đền bù nó gởi cho ngân hàng. Mình không biết gì hết. Giờ nó chết mang theo hết rồi. Nhờ xã tìm ngân hàng để lấy tiền nhưng họ cũng không biết”, giọng Hơn đầy tiếc nuối.

Người đàn bà đen đúa với vết thẹo trên miệng là kết quả của những trận bạo hành cùng ba đứa con lay lắt sống giữa căn nhà trống huơ, trống hoác. Gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai.

Chồng chết vì lá ngón, thêm gánh nặng đàn con trên vai Đinh Thị Hơn cùng nhiều người đàn bà ở đây.

Nỗi buồn còn mãi

Mươi năm về trước, Đắk Lang cũng bình yên như bao bản làng hẻo lánh miền cao Quảng Ng??i. Con đường bê-tông vào xã, những ngôi nhà mới mang theo bao thứ mới mẻ. Nhưng tiền nhiều, rượu nhiều và cơn say cũng nhiều hơn khiến đàn ông nơi đây triền miên trong chuỗi ngày vui chơi, say xỉn. Thành thử “đổi đời” với những người đàn bà ở Đắk Lang lại là cãi nhau, cơn đau do bạo hành khiến họ xấu hổ với Giàng, làng bản.

Người đàn bà ấy tầm 30 tuổi, thấp người thô kệch. Khuôn mặt mệt mỏi sau những đêm thức trắng vác keo thuê. Cuộc đời nhọc nhằn, đau khổ dường như in đậm nét trên diện mạo của chị. Cái khó, cái nghèo bấp bênh nằm trong chính căn nhà xa lạ với đàn bà xứ núi.

Phải đi lại căn nhà đôi lần, cười đùa thong thả, tỉ tê dăm bận Đinh Thị Đấy mới tự nhiên chuyện trò với người vừa quen. “Hồi chồng ăn lá ngón chết, buồn nhiều không?”, “Không, buồn gì. Nó ác lắm. Chết kệ”, vừa trả lời, ánh mắt Đấy ráo hoảnh, ai oán.

Vào khu tái định cư mới, con ma dẫn lối, cứ về nhà sau cơn say, Đinh Văn Phà, chồng của Đấy lại trút những cơn giận lên người đàn bà nhỏ thó. Xấu hổ, lo sợ, Đấy cam tâm chịu đựng. Triền miên chuỗi ngày sống trong bạo lực, tình thương chuyển dần thành oán than với chồng. “Công an xã biết nó đánh mình nên lên tìm. Nó trốn mấy lần không gặp. Bữa đó, có người phát hiện nó nằm trên bờ dốc gần nhà, người toàn mùi rượu. Họ tưởng nó say nên mang về. Sau mới phát hiện nó chết vì ăn lá ngón”, Đấy thở dài.

Cái chết của những người chồng “ma men” phần nào là sự giải thoát cho người vợ. Nhưng có những người vợ phải tìm đến lá ngón để giải thoát cho mình. Thôn Đắk Lang có 222 hộ đồng bào Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) sinh sống. Trên đỉnh núi cao, từ bao năm chưa có mấy điều mới mẻ chạm “cổng trời” Đắk Lang. Năm 2013, gần 40 hộ đồng bào vào khu tái định cư. Và bi kịch bạo hành cùng lá ngón đã chạm đến những người đàn bà tận cùng góc núi. Chỉ riêng trong năm 2015, thôn Đắk Lang đã có 22 người tìm đến lá ngón để tự giải thoát cho mình. Và đã có 18 người ra đi nhẹ nhàng, không đau đớn bởi lá “đoạn trường”. Họ chọn cách ra đi trong men rượu, chưa kịp qua con dốc để về làng. Và họ, cũng chưa kịp qua con dốc của đời mình.

Đến lúc này, Đinh Văn Mai vẫn không hiểu vì sao nhiều người gia đình mình chọn lá ngón để từ giã núi rừng. Đêm 29 Tết Canh Tuất, chỉ nắm lá ngón, Đinh Thị Thật giải thoát cho bản thân mình khỏi những dày vò từ chồng, từ nỗi nhớ thương vì mất con. “25 Tết, thằng Nhịp ăn lá ngón tự tử. 29 Tết, mẹ nó là Thật cũng ăn lá ngón không cứu kịp. Sáu tháng sau, em trai mình là Đinh Văn Nhách, chồng của Thật cũng say xỉn và chết. Tụi nó cãi nhau, thằng con giận ra sau nhà ăn lá ngón thôi mà”, Mai cay đắng bộc bạch.

Giờ cả vợ chồng Đinh Văn Mai chặt, vác keo thuê để nuôi đàn con cháu sáu đứa nheo nhóc. Khu tái định cư khang trang nhưng chứa chất bao nỗi buồn ở non cao. Mang cả nỗi buồn của những người ở lại.

Mưa giông, trời chiều ủ ê. Ủ ê như cuộc đời buồn tẻ của những người đàn bà Đắk Lang. Đàn bà vùng cao gắn liền với con dốc núi. Khi mặt càng gần với đất thì tuổi già “xộc” đến càng gần. Đàn bà ở đây chẳng có nghề gì, chỉ luẩn quẩn với dốc ngược, dốc xuôi. Và cuộc đời họ cũng chỉ quẩn quanh bên triền dốc.

“Khi nào lấy chồng đấy?”, “Không lấy chồng nữa. Sợ bị đánh. Sợ lá ngón…”, vừa nói, Đấy lại nhìn xa xăm những dốc núi trước nhà...

Trang web giải trí trực tuyến Vulture Gem