Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam

|

NDO - Chiều 24/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC), Văn phòng Đề án 844 phối hợp tổ chức Diễn đàn chính sách quốc gia phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, với chủ đề “Xây dựng chính sách phát triển hệ thống trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 2023 (TECHFEST-WHISE 2023).

Theo Ban tổ chức, năm nay, Diễn đàn chính sách quốc gia phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia được tổ chức hướng tới mục đích nắm bắt được thực trạng tổ chức và hoạt động của các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương; tham khảo các bài học kinh nghiệm quốc tế về mô hình tổ chức và hoạt động của trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, Diễn đàn thảo luận về định hướng, mô hình tổ chức và hoạt động của các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các địa phương. Từ đó, đề ra phương thức phối hợp, liên kết, tối ưu hóa và khai thác các nguồn lực tổng thể cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết, giai đoạn vừa qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam thể hiện tiềm năng mạnh mẽ trên đà phát triển và hướng tới mục tiêu cuối cùng là tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tạo ra giá trị vượt trội cho kinh tế, xã hội nước nhà.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu tại Diễn đàn.

Trên cơ sở này, hệ thống hỗ trợ cần thiết bao gồm: hành lang pháp lý, chính sách và các chủ thể hỗ trợ mạnh, cụ thể là các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải được xem là hạt nhân để sử dụng hiệu quả nội lực.

Song song đó, nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động của các trung tâm, cơ chế, chính sách tài chính… cần được thúc đẩy thực hiện hiệu quả.

“Với hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng, minh bạch cùng nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, đề án quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn mang lại sức mạnh tổng thể để đồng hành cùng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn quốc, phát triển hệ sinh thái ngày càng lớn mạnh hơn”, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, các nguồn lực đầu tư cho các trung tâm vẫn còn hạn chế, cần tập trung vào yếu tố con người.

Để tháo gỡ khó khăn cho tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô nhỏ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ Ngô Anh Tín đề xuất nhà nước ban hành chính sách giao khoán nhiệm vụ thông qua dịch vụ công, xây dựng các quy định, văn bản pháp lý cụ thể về việc trả lương cho nhà khoa học.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát biểu tại Diễn đàn.

Đối với địa phương năng động như Hải Phòng, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng cho rằng, cần bổ sung nghị định, thông tư quy định rõ về cơ chế, chức năng của tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp là điều cần thiết.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, khuyến khích và khơi nguồn ý tưởng khởi nghiệp là bài toán cần sự chung tay của các cấp chính quyền.

Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, cuối năm 2024, đầu năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ báo cáo Chính phủ các đề xuất xây dựng trung tâm mới, nhân sự mới, loại hình mới để các doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp cấp địa phương có cơ sở, kinh phí và quy định pháp lý để tồn tại và duy trì, thực hiện tốt chức năng đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp cấp quốc gia.