Tại phiên họp, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Trưởng Phái bộ UNMIK Zahir Tanin đã báo cáo về hoạt động của UNMIK từ ngày 16/3-15/9/2021, trong đó có việc tiếp tục thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan, tăng cường đối thoại và hỗ trợ các cộng đồng địa phương ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra, ông Zahir Tanin cũng đề cập đến xung đột gần đây ở ranh giới Serbia và Kosovo, về thỏa thuận tạm thời mà hai bên đã đạt được và những quan ngại về tình hình bạo lực cũng như phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc, tôn giáo.
Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Nikola Selakovic và đại diện Kosovo Vjosa Osmani-Sadriu cũng đã phát biểu tại cuộc họp.
Tiếp đó, các nước thành viên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy đối thoại giữa hai bên nhằm tìm kiếm giải pháp bền vững lâu dài vì ổn định khu vực, đồng thời thực thi các cam kết đã đạt được.
Nhiều nước lo ngại về xung đột ở khu vục ranh giới của Kosovo và tình hình dịch bệnh Covid-19.
Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, hoan nghênh việc nối lại đối thoại cấp cao giữa Belgrade và Pristina do Liên hiệp châu Âu (EU) làm trung gian, đồng thời bày tỏ lấy làm tiếc khi cuộc đối thoại này vẫn chưa đạt kết quả khả quan do quan điểm khác biệt giữa các bên.
Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại hòa bình và tìm kiếm giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an, vì hòa bình, ổn định và phát triển của Belgrade, Pristina, khu vực Balkan và châu Âu.
Theo Đại sứ, các bên cần nỗ lực thúc đẩy đối thoại cấp cao và thực hiện các thỏa thuận đã đạt được, trong đó có các thỏa thuận Brussels.
Bên cạnh đó, Đại sứ Phạm Hải Anh cũng hoan nghênh vai trò quan trọng của UNMIK đối với nỗ lực thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các cộng đồng và việc tiếp tục trao đổi với Belgrade và Pristina.
Văn bản quan trọng nhất về vấn đề Kosovo tại Hội đồng Bảo an là Nghị quyết 1244 (năm 1999) quy định Kosovo tự trị dưới sự quản lý của Liên hợp quốc (UNMIK) và bảo đảm an ninh của lực lượng NATO (KFOR), song phải bảo đảm các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nam Tư (nay là Cộng hòa Serbia) và các nước khác trong khu vực.