Tương lai nào cho Ucraina sau bầu cử Quốc hội ?

|

NDO - NDĐT – Sáu tháng chìm trong chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội, sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bị phá vỡ, cuộc bầu cử quốc hội Ucraina hôm 26-10-2014 được kỳ vọng sẽ khai thông thông sự bế tắc trong tiến trình giải quyết xung đột tại đây.

Kể từ tháng 4-2014 đến nay, các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và các lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở miền đông Ucraina không chỉ cướp đi 3.700 sinh mạng, khiến hơn 8.800 người phải đi tị nạn, đẩy nền kinh tế Ucraina luôn ở vào tình trạng bên bờ phá sản. Hậu quả của tình cảnh này đã rõ ràng đối với không chỉ người dân Ucraina mà hơn thế, cuộc khủng hoảng Ucraina còn bị coi là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự căng thẳng trong quan hệ Nga – phương Tây hiện nay. Thỏa thuận ngừng bắn (ký ngày 5-9-2014) giờ có lẽ chỉ có giá trị tượng trưng bởi liên tục có những cáo buộc vi phạm của đôi bên. Và vì thế, hơn bất kỳ lúc nào, kết quả của cuộc bầu cử quốc hội Ucraina đang mang lại nhiều hy vọng cho cộng đồng quốc tế.

Những điều đã rõ ràng

Cho đến cuối ngày 30-10-2014, dù Ủy ban bầu cử trung ương (CEC) vẫn chưa công bố kết quả kiểm phiếu chính thức, nhưng một số điều thời hậu bầu cử đã trở nên khá rõ ràng.

Trước hết, cuộc bầu cử đã được tiến hành đúng như kế hoạch và được cơ quan giám sát của tổ chức hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE), có sự tham gia của các quan sát viên từ Nga, đánh giá là công bằng và dân chủ. Tuy với những mục đích khác nhau, nhưng cả Nga và các nước phương Tây đều đã tuyên bố công nhận kết quả bầu cử. Điều này đồng nghĩa với việc kết quả bầu cử là không thể thay đổi.

Thứ hai, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy thắng lợi tuyệt đối của phe thân phương Tây (trong số sáu chính đảng đủ điều kiện để có ít nhất một ghế trong tổng số 450 tại quốc hội (đạt số phiếu từ 5% trở lên), Đảng Mặt trận dân tộc của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk và Đảng Khối Petro Poroshenko (trước đó là Đảng Đoàn kết) của Tổng thống Poroshenko chiếm đa số phiếu). Như vậy, với việc vắng bóng hoàn toàn đại diện của Đảng các khu vực của cựu Tổng thống Yanukovych, "thúc đẩy Ucraina gắn kết hơn với EU" chắc chắn sẽ chiếm vị trí ưu tiên trong chính sách của chính quyền Poroshenko.

Thứ ba, tuy có một số bất đồng trong chính sách, đơn cử như cách đối phó với lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở miền đông hay cách ứng xử với Nga, nhưng qua việc cả hai đảng có số phiếu cao nhất đang tích cực thành lập một chính phủ liên minh cho thấy, "chia sẻ và thỏa hiệp" sẽ là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của chính phủ mới. Hơn nữa, Poroshenko - Yatsenyuk đã là một ê kíp trước khi có cuộc bầu cử, và cũng chính Tổng thống Poroshenko đã bác đơn xin từ chức của Thủ tướng Yatsenyuk hồi tháng 7.

Thứ tư, với việc sẽ tiến hành một cuộc bầu cử riêng vào ngày 2-11 tới, các lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở miền đông đã khẳng định không chấp nhận quy chế tự trị như theo Thỏa thuận Minsk (ký ngày 19-9-2014). Yêu cầu đòi độc lập hoàn toàn của các lực lượng ủng hộ liên bang hóa chắc chắn sẽ khiến cho cuộc nội chiến tiếp tục kéo dài, thậm chí có thể bị đẩy lên một cao trào mới. Nếu vậy, cùng với vấn đề Crưm, lãnh thổ vẫn sẽ là rào cản lớn nhất đối với tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Ucraina và Nga.

Những điều khó xác định

Bất luận chính phủ mới có hình hài như thế nào sau cuộc bầu cử này thì chính quyền của tổng Thống Poroshenko vẫn phải đưa ra lời giải cho một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Đương nhiên, phục hồi nền kinh tế ốm yếu hiện tại sẽ là nhiệm vụ hàng đầu. Trong buổi trình bày dự án thành lập chính phủ, chính Thủ tướng Yatsenyuk đã tuyên bố: "Nhân dân Ucraina bây giờ đang ở một thời đại khác. Họ trưởng thành, có tổ chức, và thông minh hơn. Những lời hứa suông sẽ không thể lừa phỉnh được họ. Nếu những gì chính phủ nói mà không thể thực hiện, thì chính nhân dân sẽ là người hạ bệ họ một cách nhanh nhất. Tương tự như chính quyền của Tổng thống Yanukovych vừa qua". Tuy nhiên, phục hồi bằng cách nào lại đang thật sự là một lời thách đố với chính quyền Kiev. Bởi chỗ dựa chính cả về tinh thần lẫn tài chính là EU cũng đang rơi vào tình trạng đầy khó khăn. Mâu thuẫn nội bộ trong EU đã bùng phát tại hội nghị thượng đỉnh tại Brussels hôm 24-10-2014, đỉnh điểm là sự cự tuyệt thẳng thừng của Thủ tướng Anh David Cameron đối với khoản tiền đóng thêm 2,1 tỷ euro. Do đang vướng bận vào cuộc chiến chống IS tại Trung Đông cũng như các vấn đề tại châu Á - Thái Bình Dương, nước Mỹ chắc chắn chỉ có thể hỗ trợ "nhỏ giọt" cho Ucraina. Trong khi đó, các biện pháp phong tỏa thương mại của Moscow càng khiến chính quyền Tổng thống Poroshenko khó khăn hơn trong việc tìm kiếm lối thoát.

Bảo đảm được sự toàn vẹn lãnh thổ cũng là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng đối với chính quyền mới, thậm chí nó còn là cái cớ để bất cứ lúc nào cũng có thể nảy sinh một cuộc lật đổ. Dù là phe chủ chiến hay chủ hòa chiếm ưu thế trong chính phủ mới thì rõ ràng việc tìm ra lối thoát cho cuộc nội chiến với các lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở miền đông là vô cùng nan giải. Cách giải quyết bằng bạo lực rõ ràng không phải là phương án tối ưu, bởi những cuộc giao tranh hơn sáu tháng qua đã chỉ rõ, sức mạnh của quân đội chính phủ là rất hạn chế. Con đường đối thoại có lẽ sẽ càng xa với hơn sau cuộc bầu cử (ngày 2-11-2014) tại các tỉnh miền đông. Mô hình "một nhà nước, hai chế độ" thì lại càng khó trở thành hiện thực bởi cả hai bên đều cự tuyệt.

Thúc đẩy quan hệ với phương Tây cũng không hề đơn giản với Kiev. Chỉ riêng việc phải lùi thời hạn triển khai thỏa thuận thành lập khu vực thương mại tự do tới cuối năm 2014 cũng cho thấy giữa hai bên vẫn còn không ít vướng mắc. Vấn đề khó giải quyết nhất trong tiến trình gắn kết giữa Ucraina và EU chính là khoảng cách về trình độ phát triển. Chính quyền mới ở Kiev khó có thể đẩy nhanh tiến độ hội nhập vào EU bởi sự thiếu hụt về nguồn lực. Hơn nữa, để có thể nhận được những gói cứu trợ tài chính, EU chắc chắn sẽ buộc chính quyền của Tổng thống Poroshenko phải tiến hành các chính sách thắt lưng buộc bụng, mà đây lại là điều hết sức nhạy cảm đối với một đất nước đang lâm vào tình cảnh bi đát. Kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống hôm 25-5-2014 đến nay, ê kíp Poroshenko - Yatsenyuk chưa cho thấy bất cứ tín hiệu nào về khả năng có thể khắc phục được kịch bản Hy Lạp. Ngoài ra cũng cần nhấn mạnh thêm trở ngại không dễ vượt qua trong quan hệ Ucraina - EU đó chính là sự tương đồng về lợi thế so sánh trong lĩnh vực nông nghiệp. Trớ trêu thay, thị trường nông phẩm Nga mới là cái đích của cả hai chứ không phải là hướng vào nhau.

Chính phủ mới sẽ ứng xử với Nga ra sao cũng thật khó đoán định. Hậu quả của chính sách bài Nga thì đã quá rõ, nhưng kết quả nghèo nàn của những cuộc đối thoại giữa Tổng thống Poroshenko với người đồng cấp Putin từ tháng 5 tới nay lại càng khó làm thay đổi tư duy của những nghị sĩ theo chiều hướng thân phương Tây. Phương án tối ưu nhất cho Kiev, như Chủ tịch Ủy ban đối ngoại hội đồng Liên bang Nga Igor Morozov gợi ý: "Ucraina nên trở thành cầu nối, chứ không phải vùng đệm giữa Nga và EU", thì lại không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào ý chí của chính quyền Kiev.

Tất cả những điều trên cho thấy, chưa biết rồi đây chính phủ mới sẽ đưa đất nước Ucraina đi theo chiều hướng nào, nhưng tín hiệu tích cực đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện. Tối ngày 30-10-2014, sau hơn 10 tiếng đàm phán căng thẳng tại Brussels, Nga đã đồng ý nối lại việc cung cấp khí đốt cho Ucraina. Đây có thể là bước ngoặt cho cuộc xung đột tại Ucraina bởi mùa Đông đã bắt đầu cận kề.