Sự nghiệp phát triển văn hóa qua Hiến pháp (sửa đổi)

|

Sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc là dựa trên cơ sở một nền văn hóa dân tộc có bề dày văn hiến mấy nghìn năm, đa dạng, giàu truyền thống và luôn luôn mở rộng, tiếp nhận các tinh hoa văn hóa nhân loại. Ðiều đó đã được khẳng định trong bản Hiến pháp Việt Nam (sửa đổi) đã được thông qua, thể hiện sâu sắc nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ, đóng góp tích cực và có vị trí xứng đáng trong nền văn hóa chung của nhân loại.

Văn hóa là nguồn lực tinh thần có sức mạnh to lớn. Lịch sử đã cho thấy trong những chiến thắng hào hùng của dân tộc Việt Nam có phần không nhỏ chiến thắng của sức mạnh văn hóa tiềm tàng được hun đúc qua truyền thống hàng nghìn năm của một dân tộc yêu tự do, đấu tranh kiên cường bảo vệ những giá trị văn hóa cao đẹp của mình.

Những giá trị bền vững tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm; là tình đoàn kết, yêu thương gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; là lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; là tính cần cù, sáng tạo trong lao động, giản dị trong lối sống, v.v. Nó được thể hiện trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, tính cách, đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán, trong các loại hình văn học, nghệ thuật, trong toàn bộ đời sống tinh thần của dân tộc..., tạo nên những giá trị bền vững, có sức sống vượt qua gian nan, thử thách. Dù đất nước đã từng bị xâm chiếm, bị đô hộ, nhưng nền văn hóa Việt Nam không bị đồng hóa mà vẫn tồn tại và phát triển, ngày càng phong phú hơn, thể hiện sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam.

Trong thế kỷ 20, khi cả dân tộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập, văn hóa đã được coi là một động lực thúc đẩy công cuộc kháng chiến - kiến quốc thắng lợi. Cuộc đấu tranh bảo vệ những giá trị văn hóa Việt Nam cũng tương đồng với việc bảo vệ những giá trị thiêng liêng phổ quát của loài người.

Trong bốn bản Hiến pháp trước đây (được thông qua và ban hành trong những năm 1946, 1959, 1980 và 1992), đều có những chương, điều về phát triển văn hóa. Trong bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946), văn hóa đã được khẳng định là một trong những quyền cơ bản của công dân: "Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa" (Ðiều thứ 6).

Ðiều này tiếp tục được kế thừa trong Hiến pháp (sửa đổi) - văn hóa được tiếp cận dưới góc nhìn của quyền con người: "Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa". (Ðiều 41, Chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân).

Trong các bản Hiến pháp năm 1946 và năm 1959, những điều quy định về văn hóa không nhiều. Ðiều này dễ hiểu nếu nhìn lại thời điểm lịch sử ban hành hai bản Hiến pháp đó, độc lập dân tộc đang đứng trước những thử thách lớn: Năm 1946, nhân dân Việt Nam phải đối phó với cuộc xâm lược lần thứ hai của quân viễn chinh Pháp để bảo vệ chính quyền nhân dân non trẻ và nền độc lập mới giành lại được. Năm 1959, chúng ta lại bắt đầu cuộc đấu tranh lâu dài để bảo vệ độc lập tự do và thống nhất đất nước trước những âm mưu xâm lược và chia cắt.

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh, vấn đề phát triển văn hóa được đề cập đậm nét và cụ thể hơn. Ðặc biệt, ở Hiến pháp năm 1992, khi đất nước đã khẳng định vững bước trên con đường đổi mới, khi đã có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), những khía cạnh cụ thể của đời sống văn hóa - xã hội, vai trò và trách nhiệm của Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa đã được thể hiện trong Hiến pháp: "... Nhà nước đầu tư phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện để nhân dân được thưởng thức những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị; bảo trợ để phát triển các tài năng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Nhà nước phát triển các hình thức đa dạng của hoạt động văn học, nghệ thuật, khuyến khích các hoạt động văn học, nghệ thuật quần chúng" (Ðiều 32).

"Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa, dân tộc; chăm lo công tác bảo tồn, bảo tàng, tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy tác dụng của các di tích lịch sử, cách mạng, các di sản văn hóa, các công trình nghệ thuật, các danh lam, thắng cảnh.

Nghiêm cấm các hành động xâm phạm đến các di tích lịch sử, cách mạng, các công trình nghệ thuật và danh lam, thắng cảnh" (Ðiều 34).

Kế thừa những điều đó, Hiến pháp (sửa đổi) thể hiện ngắn gọn, súc tích và khái quát hơn:

"Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của Nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân" (Ðiều 60).

Khoản 3 của Ðiều 60 chính là sự kế thừa, cô đọng và nâng cao Ðiều 31 trong Hiến pháp năm 1992: "Nhà nước tạo điều kiện để công dân phát triển toàn diện, giáo dục ý thức công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, giữ gìn thuần phong mỹ tục, xây dựng gia đình có văn hóa, hạnh phúc, có tinh thần yêu nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, có tinh thần quốc tế chân chính, hữu nghị và hợp tác với các dân tộc trên thế giới".

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Trong lịch sử, các dân tộc trên đất nước Việt Nam ngày nay đã cùng đoàn kết trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước lâu dài. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập và chống kẻ thù xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, miền núi là căn cứ địa cách mạng, là phên dậu chống kẻ thù, bảo vệ cách mạng. Việc tôn trọng, bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc càng làm phong phú thêm văn hóa Việt Nam và cũng là sự khẳng định quyền của các dân tộc thiểu số, góp phần tăng cường vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc khẳng định và bảo vệ quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số nhất quán trong các bản Hiến pháp đã có.

Bản Hiến pháp năm 1959 đã khẳng định trách nhiệm

của Nhà nước trong việc phát triển văn hóa, bảo vệ các quyền về văn hóa của các

dân tộc: "... Các dân tộc có quyền duy trì hoặc sửa đổi phong tục tập quán, dùng tiếng nói chữ viết, phát triển văn hóa dân tộc mình.

Nhà nước ra sức giúp đỡ các dân tộc thiểu số mau tiến kịp trình độ kinh tế và văn hóa chung" (Ðiều 3).

Hiến pháp năm 1980 ghi: "Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.

Nhà nước có kế hoạch xóa bỏ từng bước sự chênh lệch giữa các dân tộc về trình độ phát triển kinh tế và văn hóa" (Ðiều 5).

Hiến pháp năm 1992 khẳng định: "... Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình" (Ðiều 5); "Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam: dân tộc, hiện đại, nhân văn; kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân".

Trong Hiến pháp (sửa đổi), quyền của các dân tộc thiểu số một lần nữa được nhấn mạnh: "... Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình" (Ðiều 5).

Trong thực tiễn xã hội, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được thực hiện rộng rãi và cụ thể. Người dân tộc thiểu số ở tất cả các vùng, miền được tham gia các hoạt động văn hóa mang bản sắc dân tộc. Nhiều di sản văn hóa các dân tộc được công nhận và bảo vệ ở cấp quốc tế (Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Thánh địa Mỹ Sơn), cấp quốc gia (Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Lễ Cấp sắc của người Dao)... Nhiều chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số (Mông, Thái, Ê Ðê, Chăm, Khmer) đã được thực hiện. Nhiều trường dạy chữ dân tộc được mở. Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục ở các vùng, miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện và đã mang lại hiệu quả... Những công việc này vẫn đang được tiếp tục thực hiện. Ðó là minh chứng rõ nét việc thực hiện Hiến pháp (sửa đổi) trong đời sống xã hội.

Trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, chúng ta càng nhận thức rõ hơn văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, cùng với và sánh ngang với nền tảng vật chất kinh tế. Trên cơ sở nhận thức đó, Ðảng, Nhà nước đã có những đường lối, chủ trương, chính sách tác động tích cực để phát triển văn hóa - xã hội trong những năm gần đây. Bồi đắp, phát huy, phát triển bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là quan điểm định hướng cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam hôm nay và trong tương lai. Những điều này đã được khẳng định trong văn bản có tính pháp lý cao nhất của đất nước vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua.