Tổng thư ký NATO cam kết tăng cường phòng không cho Ukraine

|

Tổng thư ký NATO Mark Rutte ngày 5/12 (giờ địa phương) đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận về các biện pháp hỗ trợ phòng không và cung cấp đạn dược.

Cuộc điện đàm giữa người đứng đầu NATO và Tổng thống Ukraine diễn ra sau Hội nghị Ngoại trưởng NATO diễn ra đầu tuần này tại Washington (Mỹ).

Trên mạng xã hội X, ông Rutte viết: “Cuộc điện đàm hiệu quả với Tổng thống Zelensky để tiếp nối Hội nghị Ngoại trưởng NATO trong tuần này. Ưu tiên của chúng tôi là hỗ trợ thêm cho Ukraine. Thêm phòng không, thêm đạn dược, và nhanh hơn nữa!”.

Hội nghị Ngoại trưởng NATO ngày 3/12 đã tái khẳng định mục tiêu tăng cường năng lực phòng không cho Ukraine. Đây được coi là bước đi cần thiết trong bối cảnh cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đang bị đe dọa bởi các cuộc tấn công. Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cũng đã kêu gọi NATO cung cấp thêm 19 hệ thống phòng không hiện đại để bảo vệ các cơ sở quan trọng của nước này.

Phát biểu với phóng viên ngày 4/12 sau cuộc họp, ông Rutte nêu rõ các nước thành viên liên minh đã đạt được sự đồng thuận như vậy tại cuộc họp với Ngoại trưởng Ukraine vào tối 3/12. Người đứng đầu liên minh quân sự cũng bày tỏ tin tưởng rằng các nước thành viên NATO sẽ tiếp tục nỗ lực trong những ngày và tuần tới để đảm bảo có thể tiếp tục cung cấp viện trợ cho Ukraine.

Trong một diễn biến khác liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz cho biết hệ thống phòng không Patriot và NASAMS mà Đức và Na Uy dự định triển khai tạm thời trên lãnh thổ Ba Lan sẽ chỉ được sử dụng để bảo vệ không phận của các nước thành viên NATO, không bao gồm Ukraine.

Ông Kosiniak-Kamysz giải thích các hệ thống phòng không nói trên nhằm tăng cường an ninh cho các nước NATO, trong bối cảnh tình hình an ninh ở khu vực biên giới phía Đông của liên minh có nhiều biến động.

Hệ thống phòng không Patriot và NASAMS sẽ được triển khai tại các khu vực chiến lược quan trọng của Ba Lan. Nhiệm vụ chính của các hệ thống này sẽ là bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này cũng như không phận của các nước Baltic. Quyết định này được đưa ra như một phần trong sự phối hợp hành động của các nước NATO nhằm tăng cường sức mạnh cho sườn phía Đông.

Với tình hình hiện tại, các nước phương Tây tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự, tài chính và trang thiết bị cho Kiev kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, hành động này đã khiến Moskva nhiều lần phản ứng gay gắt, cho rằng đây là sự can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột.

Phía Nga đã cảnh báo mọi lô hàng vũ khí gửi đến Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp trong các cuộc tấn công quân sự của Moskva. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ và NATO đang trực tiếp tham gia cuộc xung đột, không chỉ thông qua viện trợ vũ khí mà còn bằng việc huấn luyện binh sĩ Ukraine trên lãnh thổ các nước NATO như Anh, Đức và Italia.

Điện Kremlin nhấn mạnh, việc phương Tây tiếp tục bơm vũ khí vào Ukraine không chỉ kéo dài xung đột mà còn làm xói mòn cơ hội đàm phán hòa bình. Nga cũng cảnh báo các hành động này có thể dẫn đến leo thang căng thẳng với những hậu quả khó lường.

Theo hãng tin Bloomberg, cùng với việc tăng cường hệ thống phòng không cho Ukraine, NATO cũng đang thảo luận các kịch bản tiềm năng nhằm kết thúc cuộc xung đột, trong đó tập trung vào các giải pháp đàm phán và đảm bảo an ninh cho Kiev.