CLB vô địch China Super League ngừng hoạt động và mối lo vỡ "bong bóng"

|

NDO - Nhà tân vô địch Jiangsu Suning đã ngừng hoạt động, Shandong Luneng nợ nần còn Tianjin Tigers sắp giải thể. "Bong bóng" bóng đá Trung Quốc đang vỡ sớm hơn dự kiến.

Choáng váng. Đó là cảm xúc của tất cả khi nghe tin Jiangsu Suning sẽ ngừng hoạt động. Đó là quyết định được Tập đoàn Suning, chủ sở hữu CLB đưa ra.

Chỉ hơn 3 tháng trước, Jiangsu Suning đã đánh bại gã khổng lồ Quảng Châu Evergrande trong 2 lượt trận để lần đầu tiên đăng quang China Super League. Đây là đỉnh cao chưa từng có trong lịch sử 63 năm tồn tại của đội bóng tỉnh Giang Tô. Đồng thời, cũng là một sự xác tín cho sự đầu tư không ngừng nghỉ của Tập đoàn Suning.

Năm 2016, họ phá kỷ lục chuyển nhượng của CLB khi chi ra 26 triệu bảng để sở hữu tiền vệ Ramires của Chelsea. Liền ngay sau đó, kỷ lục mới lại được thiết lập với bản hợp đồng 37 triệu bảng mang tên Alex Teixeira, được mua từ Shakhtar Donetsk. Họ cũng từng trả mức lương siêu khủng cho cựu HLV tuyển Anh Fabio Capello. Và năm 2019, nỗ lực đàm phán với Real nhằm mang về sân Olympic Nam Kinh siêu sao Gareth Bale.

Vậy điều gì đã xảy ra trong hơn một năm qua? Chúng ta biết rằng Tập đoàn Thương mại Suning với cổ đông lớn nhất Zhang Jindong là một trong những công ty bán lẻ lớn nhất Trung Quốc trước khi tham gia cuộc chơi bóng đá. Ngoài việc mua 100% cổ phần của Jiangsu vào năm 2015, họ cũng sở hữu Inter Milan từ năm 2016.

Kể từ khi được Suning tiếp quản, Jiangsu vụt trở thành đội bóng giàu thứ 4 Trung Quốc với giá trị đội bóng hơn 100 triệu bảng. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Giống như phần lớn các CLB ở China Super League, Jiangsu phụ thuộc hoàn toàn vào bầu sữa mẹ từ ông chủ đứng sau. Và khi ông chủ gặp khó khăn trong kinh doanh, hoặc đơn giản là chán bóng đá, thảm kịch xảy ra.

Từ giữa năm ngoái, Jiangsu đã trở thành gánh nặng của Suning, vốn kinh doanh không mấy sáng sủa trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vì đại dịch Covid-19. Khoảng sáu tháng trước, Suning đã âm thầm tìm kiếm một đối tác để nhượng lại Jiangsu. Không khó để hình dung, ý định đó bất thành. Không doanh nghiệp nào "dại dột" gánh thêm đống nợ trong bối cảnh tài chính u ám.

Vì vậy, vào đầu tháng này, Suning tuyên bố sẽ cắt giảm các hoạt động kinh doanh phi bán lẻ để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của tập đoàn. Và thế là số phận của Jiangsu coi như được định đoạt. Bây giờ, nhà tân vô địch của China Super League phải gấp rút tìm chủ nhân mới nếu không muốn bị loại khỏi AFC Champions League sẽ khởi tranh vào tháng 4.

Vài ngày trước, Shandong Luneng, nhà vô địch Cúp Quốc Gia Trung Quốc đã bị tước quyền tham dự giải đấu này vì các khoản nợ lương không chịu thanh toán khi đã quá hạn. Nghĩa là thảm kịch đang xảy ra không chỉ với Jiangsu.

Tianjin Tigers, được cho là đang nợ các cầu thủ 10 tháng lương, dự kiến ​​cũng sẽ giải thể trong những ngày tới. Đội bóng cùng thành phố của Tigers là Tianjin Tianhai, từng được dẫn dắt bởi Fabio Cannavaro và sở hữu Luís Fabiano, Alexandre Pato và Axel Witsel, đã phá sản vào năm ngoái. Hulk đã rời Thượng Hải, trong khi Oscar phải cắt giảm 86% lương để tiếp tục thi đấu ở Trung Quốc.

Tòa lâu đài xây vội China Super League đang vỡ ra từng mảng. Việc giới hạn mức lương với cầu thủ nước ngoài và cấm gắn tên doanh nghiệp vào tên CLB càng khiến bóng đá trở nên kém hấp dẫn. Đồng thời, thúc đẩy nhanh quá trình tháo chạy của hai thế lực làm nên sự hào nhoáng của giải đấu hàng đầu Trung Quốc, là các ngôi sao ngoại và ông chủ lắm tiền.

Theo Tân Hoa Xã, bong bóng China Super League đã vỡ sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên đây là một động thái tốt, bởi tạo nên bước ngoặt cho bóng đá Trung Quốc. Họ buộc phải tôn trọng các quy tắc, tôn trọng thị trường và bắt đầu lại từ những điều căn bản như tập trung vào công tác đào tạo trẻ.

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải chờ xem bóng đá Trung Quốc đã sẵn sàng cho điều đó hay chưa?