Thay vì níu kéo, Barca nên chia tay Messi

|

NDO - Lionel Messi dứt khoát rời Barca. Dù không muốn, nhưng đội bóng xứ Catalan nên ngừng níu kéo và kết thúc mối tình dài hai thập kỷ. Họ, cũng như Messi, nên khởi đầu một cuộc sống mới. 

Đó là phút 84 trong thất bại tủi hổ 2-8 của Barca trước Bayern. Lionel Messi cố gắng đi bóng từ phần sân nhà những thất bại. Các cầu thủ Bayern lao về phía khung thành Ter Stegen, trong khi Messi lững thững đi bộ. Anh nhìn các đồng đội quay cuồng trước những bước chạy khó đoán, sau đó đổ sụp khi Philippe Coutinho ghi bàn thứ 7.

Thật ra việc Messi không hỗ trợ phòng ngự không phải cái gì đó mới. Nhất là khi bước qua tuổi 30, anh có xu hướng tiết kiệm sức lực cho những pha bứt phá về phía trước hơn là tham gia vào việc giành lại bóng.

Tuy nhiên, sự thiếu tích cực của Messi trong trận thua nhục nhã trước Bayern cho thấy anh mất động lực. Dường như bản thân La Pulga nhận thức rõ chất lượng cũng như năng lực hạn chế của đội bóng mà anh gắn bó suốt hai thập kỷ. Để rồi khi lâm vào tình cảnh khó khăn, anh bỏ cuộc, từ chối chiến đấu.

Điều này khiến tất cả liên tưởng đến khoảng thời gian đầy chán nản của Messi cùng đội tuyển quốc gia Argentina. Anh tuyên bố từ giã đội tuyển vào tháng 6-2016 trước khi đảo ngược quyết định và tái xuất vào tháng 9. Tuy nhiên, Messi sau đó không phải là Messi mà người ta từng biết.

Anh trở nên cáu kỉnh hơn, dễ nổi nóng hơn và phát biểu văng mạng, hoàn toàn trái ngược với tính cách ít nói và sống nội tâm. Ngoài hai án phạt cấm thi đấu từ FIFA và Commebol vì các lời lẽ xúc phạm trọng tài, Messi cũng giới thiệu khuôn mặt ủ rũ và mệt mỏi mỗi khi xuất hiện cùng đội tuyển Argentina. Anh đã tới World Cup 2018 không phải để bùng nổ và tìm kiếm vinh quang, mà chỉ để cả thế giới nhìn thấy dáng vẻ u sầu, căng thẳng.

Bây giờ, cũng với tâm trạng ấy, Messi muốn rời khỏi Barca, kết thúc hai thập kỷ gắn bó với đầy rẫy vinh quang. Đơn giản vì Messi hoàn toàn mất niềm tin vào cách điều hành đội bóng và nghĩ rằng nếu không có sự thay đổi từ thượng tầng, Barca vẫn là tập thể rời rạc, yếu ớt, thất thường như anh mô tả sau trận thua Osasuna.

Về phần Barca, như trong tuyên bố sau khi nhận được bản fax muốn ra đi của Messi, họ nhấn mạnh muốn anh ở lại và kết thúc sự nghiệp tại Nou Camp. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh đánh giá lại toàn bộ vấn đề và có cái nhìn về tương lai, chia tay Messi không phải là một thảm họa. Thậm chí trên nhiều phương diện, mang đến nhiều tích cực hơn là tiêu cực.

Như đã biết, Barca muốn thay đổi và trao quyền cho tân HLV Ronald Koeman thực hiện cuộc cách mạng. Vị chiến lược gia người Hà Lan đang rất mạnh tay trong việc thanh trừng các thế lực cũ. Luis Suarez rồi Ivan Rakitic, Arturo Vidal và Samuel Umtiti đều nhận được cú điện thoại thông báo bị loại khỏi kế hoạch.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng này sẽ chẳng đi đến đâu nếu vẫn còn Messi. Không bất ngờ nếu Koeman lại thiết kế lối chơi với Messi là trung tâm, sau đó lặp lại sự phụ thuộc vào siêu sao đã 33 tuổi. Công cuộc tái thiết sẽ bị trì hoãn, và sự trì trệ tiếp tục kéo dài.

Câu chuyện của đội tuyển Argentina về việc triệu hồi Messi sau quyết định chia tay năm 2016 cũng là bài học cho Barca. Khi quay trở lại với đội bóng mà La Pulga đã cạn kiệt niềm tin, anh sẽ chỉ ra sân như một nghĩa vụ phải thế. Và bốn năm qua, đội tuyển Argentina cũng chẳng đi đến đâu. Vẫn thất bại ở Copa America và ngày càng xa giấc mơ vô địch World Cup.

Một cuộc chia tay có lẽ tốt cho cả hai. Barca có thể khởi đầu cuộc sống mới, dù không dễ dàng ngay. Và chúng ta sẽ lại thấy Messi, trong màu áo khác, chơi bóng với niềm đam mê cùng sự vui thích như đã từng.