Bí ẩn penalty, nơi tạo ra người hùng và tội đồ

|

NDO - Euro 2020 đã đi qua hơn nửa chặng đường, với rất nhiều người hùng cùng không ít tội đồ xuất hiện. Và không nơi nào tạo ra các nhân vật chính diện - phản diện nhanh hơn chấm 11m. 

“Trên đường tiến tới chấm phạt đền, tôi tưởng như đó là hành trình dài vô tận. Và đêm tối trở nên tối hơn bao giờ hết. Rồi tôi bắt đầu lo lắng về những gì có thể xảy ra, toàn những điều tồi tệ. Vậy là tôi đã sút hỏng. Tôi đã kết thúc giấc mơ của cả đất nước và khiến mọi ngươi thất vọng”, Gareth Southgate nói về trải nghiệm đau đớn khi sút hỏng quả phạt đền trong loạt luân lưu trận bán kết Euro 1996.

Cơn bão chỉ trích, thóa mạ bùng lên trên toàn nước Anh khiến Southgate phải trốn đến Bali mùa hè năm ấy. Vậy mà ngay ở một nơi cách xa quê nhà hơn 10 nghìn cây số và không cuồng nhiệt với bóng đá, kẻ tội đồ vẫn bị nhận ra. Khi đến thăm một ngôi đền, người sẽ dẫn dắt tuyển Anh vào 20 năm sau chết đứng sau khi một du khách chỉ tay vào mặt: “Đúng mày rồi, thằng sút hỏng”.   

Bây giờ Kylian Mbappe của Pháp hẳn cũng đang sống trong cảm giác tội lỗi. Sau khi đã ghi 180 bàn thắng trong sự nghiệp mới bắt đầu được 6 năm, đứng trước chấm phạt đền, anh đã không làm được cái điều tưởng chừng như vô cùng đơn giản: đưa bóng vào lưới ở khoảng cách chỉ 11m.

Sút penalty thực chất không hề đơn giản khi một cầu thủ biết rằng cả thế giới đang dõi theo họ. Nhất là ở các giải đấu lớn, nó không những quyết định thắng thua mà còn chứa đựng giấc mơ, niềm hy vọng của cả một quốc gia, một dân tộc. Họ không được phép sút hỏng. Tuyệt đối không. Nhưng lại sút ra ngoài.

Hãy nhớ lại Roberto Baggio. Người hùng đã đưa Italia tới tận chung kết World Cup 1994 nhưng cũng chính anh lại đá bay chiếc Cúp vô địch. “Tôi biết Taffarel hay đổ người nên quyết định sẽ sút vào giữa khung thành, chếch lên trên để anh ta không thể cản nó bằng chân. Những gì diễn ra sau đó chứng minh đây là lựa chọn thông minh, chỉ tệ một điều, bóng lại vút qua xà ngang”, Baggio nhớ lại.

Cựu tuyển thủ Italia nói thêm rằng, “hình ảnh hôm ấy luôn hiện ra trong tâm trí khi đi ngủ, vào mỗi đêm trong suốt nhiều năm”. Anh đã ước đầu mình như một cái máy tính, chỉ cần nhấp chuột và xóa đi ký ức đó là xong. Nhưng tiếc là không thể.

Sút penalty là trò chơi cân não và hầu hết cầu thủ đều không muốn tham gia. Andrea Pirlo - chuyên gia sút phạt, đồng thời thành công trong cả hai lần sút luân lưu tại World Cup (2006) và Euro (2012) - cũng mô tả rằng đây là “cuộc dạo chơi vô tận và sâu nỗi sợ hãi khủng khiếp của con người”.

Tuy nhiên, vì đó là một phần của bóng đá, họ vẫn bị đẩy ra. Và khi ấy, đối thủ, bối cảnh, bầu không khí cùng áp lực khiến mọi cố gắng tập luyện, thậm chí cả kinh nghiệm cùng năng lực chuyên môn đều tan biến như bong bóng xà phòng, chỉ còn lại sự may rủi.    

Thí dụ như trường hợp Mbappe. Trước Euro 2020, tỷ lệ sút thành công của ngôi sao người Pháp rất cao, lên đến 81,2% (13/16). Anh cũng dứt điểm rất đa dạng để thủ môn khó có thể bắt bài. Vậy tại sao Mabppe lại không thắng được thủ môn Yann Sommer trong trận đấu với Thụy Sĩ?

Đầu tiên, Mbappe rất không may mắn khi là người sút cuối cùng. Ở bốn loạt sút trước, có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, các cú sút của Pháp đi theo quy luật trái-phải-trái-phải. Sommer chắn chắn đã nhìn ra và quyết định đặt cược quả sút tiếp theo sẽ đi về bên trái. Một lựa chọn chính xác.

Cũng phải lưu ý một chi tiết, sau khi trải qua mùa giải dài với 47 trận đấu trong vòng tám tháng cùng PSG, cộng thêm 14 trận khác với tuyển Pháp, bao gồm 120 phút với Thụy Sĩ, Mbappe thật sự mệt mỏi. Khi ở trạng thái đó, các cầu thủ dứt điểm theo cách dễ nhất: cầu thủ thuận chân phải sẽ đặt lòng vào bên trái khung thành, người quen sút chân trái sẽ đưa bóng về bên phải.

Tại tứ kết Euro 2004, Zlatan Ibrahimovic thừa nhận đã sút theo bản năng. “Khi đặt quả bóng, tôi chỉ có ý nghĩ là sút. Tôi đã sút theo kiểu tới đâu thỉ tới, và trật lất”, tiền đạo người Thụy Điển nói. Anh thuận chân phải và sút về bên trái. Bóng bay vọt xà.   

Quy luật của tuyển Pháp là hệ quả của các quyết định đưa ra khi đã mệt mỏi. Và như đã biết, tới lượt Mbappe, anh dùng chân phải để sút vào bên trái. Đó là nơi Sommer chọn sẵn. Vì bóng bay không mạnh và đủ xa, thủ môn của Thụy Sĩ chỉ cần vươn tay là có thể hất nó ra khỏi cầu môn. 

Chính vì vấn đề mệt mỏi, Euro 2020 lần này đã chứng kiến bảy quả phạt đền hỏng ăn trong tổng số 15 quả được thổi trong trận đấu, chiếm 46,6%. Đây là những con số cao kỷ lục trong lịch sử giải vô địch châu Âu. Nó sẽ còn tăng cao nữa trong bảy trận cuối cùng, khí tính chất quan trọng khiến các trận đấu trở nên vô cùng căng thẳng. Cùng với đó là những loạt sút luân lưu, nơi tạo ra anh hùng, như Sommer và kẻ tội đồ, là Mbappe.

Chưa bao giờ ranh giới giữa hai thái cực lại mong manh như vậy, khi quả bóng nằm trên chấm 11m.